Đến tuần này là gần 3 tháng Việt Nam không có ca nhiễm COVID-19 trong cộng đồng. Có thể nói đến thời điểm này, trận chiến chống lại dịch COVID-19 đã thành công, nhưng những hậu quả do đại dịch để lại cho nền kinh tế tới nay vẫn rất dai dẳng, trầm trọng và cần sự quan tâm lớn hơn để khắc phục.
Dù nhịp sống đã trở lại bình thường sau thời gian giãn cách xã hội, nhưng với các doanh nghiệp, đây vẫn còn là chặng đường dài. Dạo quanh nhiều con phố, tình trạng quán xá đóng cửa hoặc tìm người thuê mặt bằng cho thấy doanh nghiệp nhỏ đang khó khăn chồng chất. Báo chí trong tuần cũng tập trung nói về thực trạng này.
Có thể trong thời gian tới, số lao động thất nghiệp tại TP.HCM sẽ tăng cao do có nhiều công ty giải thể. (Ảnh minh họa: Dân trí)
Theo phản ánh của tờ Tiền Phong: "Hậu COVID-19: Bóng ma thất nghiệp hiện hình". Tờ báo trích số liệu của Trung tâm dịch vụ việc làm TP.HCM cho thấy, trong tháng 5 và 6, trung tâm này đã tiếp nhận gần 50.000 hồ sơ đăng ký hưởng trợ cấp thất nghiệp. Chưa bao giờ số lượng người lao động mất việc làm tại TP.HCM lại nhiều như lúc này. Đáng chú ý, có thể trong thời gian tới, số lao động thất nghiệp sẽ tăng cao khi có thêm nhiều công ty tại đây giải thể do không có đơn hàng.
Cũng theo Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, tính đến tháng 6 năm nay, cả nước có gần 31 triệu người từ 15 tuổi trở lên bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 gồm các trường hợp mất việc, nghỉ luân phiên, giảm giờ làm…
Việt Nam cần gói hỗ trợ lần 2?
Vì vậy, câu hỏi liệu Việt Nam có cần đến gói hỗ trợ lần 2 đã được đặt ra? Bởi nhiều doanh nghiệp cho rằng gói tài khóa 180.000 tỷ đồng gồm: giãn, hoãn thuế phí, tiền thuê đất cho DN trong 5 tháng và miễn 30% tiền thuế thu nhập doanh nghiệp cho đối tượng có doanh thu dưới 200 tỷ đồng trong năm 2019 là mức thời hạn quá ngắn.
Ngoài ra, theo phản ánh trên tờ Tuổi trẻ khi dẫn lời Chủ tịch Hiệp hội DN TP.HCM, dự đoán trong quý 3, nhiều DN sản xuất gắn với thị trường nước ngoài còn nhiều khó khăn, nên cần thiết xây dựng gói hỗ trợ DN lần thứ 2.
Nhiều doanh nghiệp vẫn khó khăn do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19. (Ảnh minh họa: Dân trí)
Tờ báo này cũng trích ý kiến Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung cho rằng cần nới lỏng tiêu chí được nhận hỗ trợ từ gói 16.000 đồng, cụ thể là bỏ tiêu chí không có nguồn thu mới được vay vốn với lãi suất 0% để trả lương cho người lao động bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh. Bởi nếu không có nguồn thu, thì DN đã gần như phá sản, giải thể, không có nhu cầu vay vốn trả lương nữa.
Đây cũng chính là chia sẻ của các chuyên gia trên tờ Lao Động khi nói về thủ tục chứng minh tài chính của doanh nghiệp để tiếp cận gói 62.000 tỷ đồng.
Tờ báo cho biết, với lao động tự do, điều kiện hiện khắt khe cho việc xác nhận. Họ cư trú ở địa phương này nhưng lao động ở địa phương khác nên phải xác nhận tạm trú rất khó khăn. Do đó, quá trình triển khai cần đơn giản hơn.
Gói hỗ trợ 62.000 tỷ đồng: Cần nới lỏng điều kiện, gỡ bỏ rào cản cho doanh nghiệp tiếp cận
Trong bài bình luận "Cấp cứu cho lao động mất việc" trên tờ Đại đoàn kết, tác giả cho rằng: "Nên chăng trong lúc chờ sự phục hồi của các doanh nghiệp thì rất cần một gói hỗ trợ nữa ngoài gói hỗ trợ 62.000 tỷ đồng để giúp cho người lao động qua cơn bĩ cực. Đó không chỉ là biện pháp bảo đảm an sinh xã hội, mà còn là động thái "không bỏ ai lại phía sau".
Nhiều đề xuất cho rằng cần tính đến gói hỗ trợ lần 2 để hỗ trợ cộng đồng DN. (Ảnh minh họa: Báo Người lao động)
Những khó khăn, vướng mắc này của doanh nghiệp đã được nhận ra và phân tích tại cuộc họp Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ quốc gia do Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì trong tuần.
Lắng nghe nhiều ý kiến và các đề xuất, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhất trí việc Chính phủ cần nghiên cứu một chương trình tổng thể từ nay đến hết năm 2021 để kích thích, phục hồi kinh tế, trong đó tăng bội chi, huy động thêm nguồn lực để hỗ trợ doanh nghiệp và người dân.
Cụ thể hơn, tờ Thanh niên cho rằng cần tiếp tục xem xét, giảm lãi suất, chia sẻ khó khăn với DN và người dân; tiết kiệm chi thường xuyên, cắt giảm các khoản chi hội nghị, hội thảo, dành nguồn lực cho chống dịch, hỗ trợ kịp thời cho các đối tượng bị ảnh hưởng bởi COVID-19.
Các doanh nghiệp cần được nới lỏng điều kiện tiếp cận gói chính sách 62.000 tỷ đồng hỗ trợ cho đối tượng khó khăn do COVID-19. (Ảnh minh họa: TTXVN)
Trên tờ Thời báo tài chính, Thủ tướng nhấn mạnh, trong hoàn cảnh đặc biệt hiện nay đòi hỏi phải có những chính sách đặc biệt, nhất là đối với những lĩnh vực mới để có chính sách đặc thù phù hợp, không thể bàn trên bàn giấy mà phải sát thực tiễn, phản ánh được hơi thở, yêu cầu của nền kinh tế và của người dân, doanh nghiệp.
Hy vọng các gói hỗ trợ mới sẽ nhanh chóng được thiết kế một cách sáng tạo và dễ vận dụng vào cuộc sống, bởi theo tờ Tuổi trẻ, nếu không có gói hỗ trợ mới này cơ hội hồi phục kinh tế không chỉ mất đi, mà việc dọn ổ đón làn sóng dịch chuyển nguồn vốn đầu tư từ các nước trong và ngoài khu vực cũng sẽ mất nốt.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!