Bà Yolanda đảm nhận một công việc rất đặc biệt tại Tập đoàn máy tính Trung Quốc Lenovo, đó là hạn chế những bất đồng giữa các nhân viên đến từ nhiều quốc gia.
Bà Yolanda - Giám đốc phụ trách mảng hòa hợp văn hóa cho biết: “Trách nhiệm của tôi là giúp các nhân viên hòa hợp với nhau, khuyến khích các nhân viên đối thoại, cởi mở và sẵn sàng lắng nghe ý kiến của nhau”.
Những trải nghiệm tại một môi trường làm việc với đa phần là người Trung Quốc là điều không hề dễ dàng với bà. Những bất đồng giữa họ bắt đầu từ điều cơ bản nhất, đó chính là ngôn ngữ.
Bà Yolanda chia sẻ: “Các lãnh đạo người Mỹ khác sử dụng từ “yêu cầu” trong email, khi dịch sang tiếng Trung lại mang ý nghĩa không lịch sự lắm, giống như là đang ra lệnh cho nhân viên. Và tôi có sự điều chỉnh nhỏ để giúp các đồng nghiệp người Trung Quốc không cảm thấy phật lòng”.
Trong khi đó, Haier - một doanh nghiệp khác của Trung Quốc lại chọn cách “nhập gia tùy tục”. Họ sử dụng toàn bộ nhân công người địa phương để tránh sự khác biệt văn hóa.
Bà Dreama Hellard, Nhân viên nhà máy sản xuất Haier nói: “Khi Haier mở nhà máy tại đây, họ chỉ tuyển dụng và đào tạo những người bản địa như tôi, để chúng tôi có thể làm việc ở mọi vị trí”.
Khác biệt văn hóa đang ngày càng phổ biến hơn, khi làn sóng đầu tư giữa hai nước tiếp tục tăng cao trong thời gian tới. Và dù bằng cách này hay cách khác thì các biện pháp hạn chế cú sốc văn hóa trong giới doanh nghiệp Trung Quốc tại Mỹ vẫn đang tỏ ra khá hiệu quả.
Mời quý độc giả theo dõi Truyền hình trực tuyến các kênh của Đài Truyền hình Việt Nam!