DN ứng phó với biến động tỷ giá: Cách nào?

Đình Hải-Thứ tư, ngày 25/09/2013 16:44 GMT+7

 Để giúp doanh nghiệp có thể ứng phó với các rủi ro từ biến động tỷ giá những tháng cuối năm và ổn định tình hình quản lý tài chính, Ngân hàng quốc tế VIB vừa đã tổ chức hội thảo về chủ đề này cho các DN kinh doanh xuất nhập khẩu.

Chị Lê Thị Tuyến - phụ trách tài chính của một doanh nghiệp sản xuất thức ăn chăn nuôi cho biết, doanh nghiệp phải nhập khẩu 100% nguyên liệu khô đỗ tương với giá trị lên tới trên 30 triệu USD thì chỉ cần tỷ giá tăng 1% đã đội chi phí đầu vào không nhỏ cho doanh nghiệp. Điều này đã xảy ra nhiều năm nay khiến doanh nghiệp không thể chủ động về chi phí nguyên liệu đầu vào.

Làm thế nào để kiểm soát chi phí mỗi khi tỷ giá biến động là quan tâm của nhiều doanh nghiệp xuất nhập khẩu tại cuộc hội thảo. Kinh nghiệm của nhiều nước trên thế giới cho thấy, để phòng ngừa rủi ro khi tỷ giá biến động, các doanh nghiệp và ngân hàng thường ký hợp đồng giao dịch cố định một tỷ giá và ấn định vào một thời điểm. Giải pháp này sẽ giúp doanh nghiệp xác định trước các chi phí và lợi nhuận của mình. Tuy nhiên, trong trường hợp tỷ giá biến động ngược chiều dự đoán, doanh nghiệp có thể mất một cơ hội tối đa hóa lợi nhuận.

Ông Lê Quang Trung, Phó Tổng Giám đốc Ngân hàng quốc tế VIB cho rằng: "Các doanh nghiệp Việt Nam hầu như không chủ động về bảo hiểm rủi ro trong khi các doanh nghiệp FDI lại sử dụng năng động và nhuần nhuyễn”.

Tại Việt Nam, chỉ một số ít doanh nghiệp chủ yếu là doanh nghiệp có vốn nước ngoài lựa chọn giải pháp này. Theo phát ngôn của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước, biên độ biến động tỷ giá USD chỉ 2-3% trong năm nay khiến thị trường khá kỳ vọng vào sự ổn định của ngoại tệ này. Tuy nhiên, sóng USD tăng bất ngờ vào tháng 8 vừa qua lại là một lời cảnh báo, rủi ro có thể xuất hiện bất cứ khi nào nếu doanh nghiệp không có biện pháp bảo hiểm cho chính mình.

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước