Doanh nghiệp cần hỗ trợ gì khi hoạt động trở lại sau giãn cách?

TTXVN-Thứ sáu, ngày 10/09/2021 19:04 GMT+7

VTV.vn - Các doanh nghiệp đề nghị thành phố quan tâm, tăng cường nguồn vaccine cho người lao động tại các công ty, doanh nghiệp...

Làm gì để "cởi trói" cho doanh nghiệp là câu hỏi của ông Nguyễn Thái Hùng, Phó Chủ tịch Hiệp hội Dệt May Việt Nam phụ trách khu vực Đồng bằng sông Cửu Long đặt ra đối với lãnh đạo chính quyền thành phố Cần Thơ ngày 10/9, tại hội nghị trực tuyến đối thoại giữa doanh nghiệp với chính quyền thành phố để trao đổi, lắng nghe các ý kiến đề xuất, kiến nghị và phương án hỗ trợ doanh nghiệp mở lại hoạt động sau thời gian thực hiện giãn cách xã hội. Hội nghị do ông Trần Việt Trường, Chủ tịch UBND thành phố Cần Thơ chủ trì tại điểm cầu chính ở UBND thành phố kết nối với các điểm cầu sở, ngành có liên quan; điểm cầu các quận, huyện và khoảng 100 doanh nghiệp kết nối thông qua ứng dụng zoom.

Khó khăn của doanh nghiệp

Theo số liệu của Hiệp hội Dệt May Việt Nam, ở Cần Thơ hiện có 7 nhà máy lớn (từ 500 - 2.000 lao động), gần 40 cơ sở sản nhỏ lẻ. Cần Thơ có truyền thống ngành may mặc hàng chục năm, đào tạo nguồn lao động cho nhiều tỉnh trong khu vực. Nếu không có giải pháp tốt thì sẽ mất đi các đội ngũ lao động này và rất khó tìm lại.

Khó khăn các nhà máy may đang vướng phải là hàng hóa đang sản xuất trên dây chuyền, nguyên vật liệu đã đặt mua về. Nhưng 2 tháng nay, hàng đem về kho mà không sản xuất được dẫn đến hư hỏng, thiệt hại cho doanh nghiệp. Trong khi đó, doanh nghiệp đã vay ngân hàng để mua nguyên liệu và vẫn bị tính lãi suất. Theo ông Nguyễn Thái Hùng, phương án "3 tại chỗ" chỉ là giải pháp tình thế.

Ông Phạm Thái Bình, Giám đốc Công ty Cổ phần Nông nghiệp cao Trung An chuyên về xuất khẩu gạo cho biết, kế hoạch tháng 8 và tháng 9, công ty xuất khẩu 150 container gạo thơm chất lượng cao sang châu Âu. Nhưng thực tế, từ tháng 8 đến nay chỉ đi được 32 container, đạt khoảng 20%. Đơn container còn đi được, riêng vận tải gạo đi đường thủy thì không, nên công ty buộc phải đàm phán với đối tác nước ngoài dời sang tháng 11 và 12. Mặc dù vậy, ông Phạm Thái Bình cho rằng, việc thành phố hỗ trợ tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp vẫn cần đảm bảo phòng, chống dịch.

Dịch bệnh kéo dài, gần 2 tháng qua, Cần Thơ đã áp dụng giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16. Trên 10.000 doanh nghiệp phải tạm ngừng hoạt động để phòng, chống dịch. Theo báo cáo từ Sở Công thương Cần Thơ, tính đến chiều 9/9, có 1.006 doanh nghiệp tạm ngưng hoạt động (tương đương 92,29% tổng số doanh nghiệp trên địa bàn thành phố) với 65.293 lao động nghỉ việc (chiếm tỷ lệ 93,36% tổng số lao động). Cụ thể, có 155 doanh nghiệp trong tổng số 170 doanh nghiệp ở các khu chế xuất và công nghiệp và 851 doanh nghiệp trong tổng số 920 doanh nghiệp ngoài khu chế xuất và công nghiệp tạm ngưng hoạt động.

Các doanh nghiệp đang thực hiện mô hình "3 tại chỗ", "1 cung đường 2 điểm đến", mô hình "vùng đệm" gặp khó vì phát sinh chi phí. Đa phần doanh nghiệp không có sẵn cơ sở vật chất để đáp ứng việc ăn nghỉ tại chỗ cho người lao động nên việc tập trung người lao động tại một chỗ cũng không làm giảm nguy cơ lây nhiễm. Doanh nghiệp có sản xuất "3 tại chỗ" vẫn có tiếp xúc với bên ngoài từ đơn vị cung cấp suất ăn, đơn vị vận chuyển hàng, đơn vị bảo trì máy móc thiết bị...

Doanh nghiệp cần hỗ trợ gì khi hoạt động trở lại sau giãn cách? - Ảnh 1.

Giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp

Tại hội nghị, bà Huỳnh Thiên Trang, Phó Giám đốc Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam Chi nhánh tại Cần Thơ (VCCI Cần Thơ) đã nêu 13 kiến nghị, đề xuất nhằm hỗ trợ cho các doanh nghiệp.

Theo đó, các doanh nghiệp đề nghị thành phố quan tâm, tăng cường nguồn vaccine cho người lao động tại các công ty, doanh nghiệp; chính sách hỗ trợ, tăng khoản cho vay đối với các doanh nghiệp thu mua nông sản của nông dân tới vụ; có giải pháp thay thế cho phương án "3 tại chỗ", có lộ trình nghiên cứu giải pháp sống chung với dịch; đẩy nhanh thủ tục, chính sách hỗ trợ cho doanh nghiệp và người lao động theo Nghị quyết 68; giảm tiền thuê đất cho doanh nghiệp thuộc lĩnh vực nhà hàng, khách sạn;...

Về các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp trong thời gian tới, bà Huỳnh Thiên Trang cho biết, VCCI Cần Thơ đã cùng các chuyên gia kinh tế và cộng đồng doanh nghiệp kiến nghị với UBND thành phố Cần Thơ lộ trình mở cửa nhóm ngành ưu tiên vừa đảm bảo sản xuất vừa an toàn trong phòng, chống dịch: nhóm ngành sản xuất đông công nhân; nhóm ngành nông nghiệp, nuôi trồng cung ứng nguyên liệu nông lâm thủy sản; nhóm ngành thương mại dịch vụ; nhóm ngành giao thông, vận chuyển, giao hàng.

Để có thể quay trở lại sản xuất, đối với nhóm ngành đông công nhân, lao động phải được tiêm đủ 1 hoặc 2 mũi vaccine, lao động "vùng xanh" có thể đi làm nhưng có kiểm soát thông qua xét nghiệm định kỳ, doanh nghiệp chưa từng có ca nhiễm,... là những điều kiện ưu tiên; thực hiện theo mô hình "con người xanh, doanh nghiệp xanh, tuyến đường xanh".

Nhóm nông nghiệp, nuôi trồng cung ứng nguyên liệu nông thủy sản, ưu tiên tiêm ngay cho nhóm đối tượng là thương lái vận tải, bốc vác, người thu mua nguyên liệu... Nhóm ngành thương mại, dịch vụ, ưu tiên tái khởi động chợ truyền thống với 50% thương nhân được kiểm soát bởi ban quản lý chợ; sớm ưu tiên nhà hàng, cơ sở ăn uống... thực hiện bán mang về và tại chỗ với quy định giãn cách trên diện tích phục vụ.

Đối với nhóm ngành giao thông, vận chuyển, giao hàng cần được cấp phép theo tỷ lệ từng giai đoạn, ngành xây dựng ưu tiên cho các nhóm đầu tư công. Đối với các ngành như du lịch, lữ hành, khách sạn cần cho phép thực hiện tour khép kín từ điểm đi đến chuyến bay, khách sạn dành cho du khách có đủ 2 liều vaccine.

Ngoài ra, theo bà Huỳnh Thiên Trang, để Cần Thơ thực hiện tốt mục tiêu kép khi mở cửa trở lại, cần thực hiện song hành nhiều giải pháp, khoanh vùng dịch bệnh an toàn để quản lý di chuyển của người lao động; trao quyền kiểm soát cho doanh nghiệp, bởi giấy phép đi lại giữa nơi cư trú và nơi làm việc thì doanh nghiệp nắm chặt hơn và công nhân sẽ phải cam kết, vi phạm thì bị sa thải thay vì mức phạt hành chính.

Chính quyền thành phố Cần Thơ cần xây dựng lộ trình mở cửa phù hợp. Có thể sớm gỡ bỏ giãn cách, giai đoạn 1 (từ nay đến ngày 15/9) mở cửa nội vi thành phố; giai đoạn 2 (từ 15/9 - 30/9) kết nối các địa phương trong vùng và thành phố là trung tâm để vận chuyển hàng hóa và giai đoạn 3 (từ tháng 10) kết nối vùng Đồng bằng sông Cửu Long với Thành phố Hồ Chí Minh để hàng hóa được tiêu thụ và xuất khẩu thuận lợi.

"Nếu gỡ bỏ giãn cách mà không kết nối với các tỉnh trong vùng và thành phố Hồ Chí Minh thì không giải quyết được bài toán kinh tế và kinh doanh của doanh nghiệp", bà Trang nhấn mạnh.

Đồng tình với các kiến nghị của đại diện VCCI, ông Nguyễn Văn Hào, Chủ tịch Hiệp hội các doanh nghiệp Cần Thơ cũng đề nghị UBND thành phố Cần Thơ nên đứng ra tổ chức hội nghị phối hợp trong phòng, chống dịch COVID-19 và phát triển kinh tế giữa các tỉnh ở khu vực Đồng bằng sông Cửu Long; giúp dỡ bỏ 'rào cản" tại mỗi tỉnh, thành để hàng hóa được lưu thông thuận lợi; doanh nghiệp được qua lại các địa phương ký kết hợp đồng mua bán kinh doanh dễ dàng hơn.

Ông Nguyễn Văn Hào cũng đề xuất, đối với các doanh nghiệp sản xuất đang áp dụng mô hình "3 tại chỗ" thì cho phép doanh nghiệp đổi nhóm người lao động 3 tuần/lần để bảo đảm việc ổn định tâm sinh lý của con người khi liên tục ở cách xa gia đình quá lâu. Điều kiện sinh hoạt "3 tại chỗ" cũng rất hạn chế không tạo không gian đủ thoải mái cho người lao động làm việc có năng suất và chất lượng.

Phát biểu tại hội nghị, ông Trần Việt Trường, Chủ tịch UBND thành phố cho biết, địa phương đang triển khai đợt xét nghiệm toàn dân từ ngày 10/9 - 18/9 để sau đó sẽ có phương án, giải pháp tiếp theo duy trì sản xuất, đáp ứng cung cầu.

Trên tinh thần vừa bảo vệ sức khỏe người dân vừa phát triển kinh tế, thành phố sẽ tham vấn các chuyên gia, doanh nghiệp để có hướng "mở cửa" sau giãn cách nhằm đem lại hiệu quả vừa phòng, chống dịch vừa phục hồi kinh tế.

Chủ tịch UBND thành phố Cần Thơ chia sẻ khó khăn với các doanh nghiệp và mong muốn doanh nghiệp ửng hộ những biện pháp mà thành phố đang triển khai. Sở dĩ, thành phố vẫn thận trọng tiếp tục thực hiện Chỉ thị 16 vì Cần Thơ vẫn thuộc nhóm nguy cơ rất cao. Trong khi số ca nhiễm còn cao, nếu chuyển từ Chỉ thị 16 sang Chỉ thị 15 thì thành phố không thể mạo hiểm. Hiện thu ngân sách thành phố mỗi năm khoảng 11.000 tỷ đồng, nếu dịch bùng phát mạnh, không kiểm soát được thì sẽ kiệt quệ, phục hồi khó khăn.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước