Doanh nghiệp chủ động phương án sản xuất từ ngày 23/8

Hùng Lĩnh-Thứ ba, ngày 24/08/2021 06:31 GMT+7

VTV.vn-Nhiều doanh nghiệp tại các khu công nghiệp, khu chế xuất đã gấp rút chủ động phương án mới, hạn chế đứt gãy chuỗi sản xuất và không để người lao động di chuyển khỏi nhà máy.

Ngày 23/8 là ngày đầu tiên TP Hồ Chí Minh siết chặt giãn cách xã hội theo nguyên tắc Chỉ thị 16 với phương châm "ai ở đâu ở yên đó". Trước tình hình này, nhiều doanh nghiệp tại các khu công nghiệp, khu chế xuất đang thực hiện mô hình "3 tại chỗ" hoặc "1 cung đường - 2 điểm đến" đã gấp rút chủ động phương án mới, hạn chế đứt gãy chuỗi sản xuất và không để người lao động di chuyển khỏi nhà máy.

Duy trì mô hình "3 tại chỗ" hơn 2 tháng nay với 1/3 số lượng lao động, công ty Sản xuất thuốc thú y thuỷ sản Ánh Việt đã chủ động làm việc với phía đối tác cung cấp đủ nguyên liệu cho 2 tuần tới. Người lao động sản xuất và ăn uống ngay tại nhà máy, không di chuyển ra ngoài và thực hiện xét nghiệm liên tục.

Tương tự, công ty Cơ khí Duy Khanh đã tập trung 80% lao động tại nhà máy trước vài ngày. Để đảm bảo chuỗi cung ứng không bị đứt gãy, doanh nghiệp gấp rút nhờ sự hỗ trợ từ các đối tác FDI đẩy nhanh thủ tục bàn giao nguyên phụ liệu. Tuy nhiên, do thời gian khá gấp để doanh nghiệp xin cấp phép giấy đi đường nên việc giao nhận thức ăn từ ngoài vào gặp khó khăn.

Ông Đỗ Phước Tống, Chủ tịch HĐTV Công ty Cơ khí Duy Khanh, cho biết: "Ngày hôm nay là ngày đầu tiên mà giấy phép thì chưa có, việc giao nhận thực phẩm vẫn phải diễn ra cho nên công ty và đơn vị cung cấp thực phẩm giao nhận ngay tại chốt kiểm tra. Nhưng những vật phẩm chuẩn bị cho công nhân thì công ty đã chuẩn bị đủ luôn 2 tuần theo cách ai ở đâu ở yên đó".

Hiệp hội các doanh nghiệp Khu công nghiệp TP Hồ Chí Minh cho biết, số lượng lao động thực hiện "3 tại chỗ" tại các khu công nghiệp, khu chế xuất chỉ chiếm 30%. Các doanh nghiệp phải duy trì mô hình "3 tại chỗ" đến hết ngày 6/9, đồng thời không thay đổi, bổ sung hoặc giảm lao động đang vừa cách ly, vừa sản xuất, trừ trường hợp cấp cứu phải ra khỏi nơi sản xuất. Tuy nhiên, nhiều doanh nghiệp đang gặp khó về việc cấp phép giấy đi đường.

Ông Trần Thiên Long, Phó Chủ tịch, Tổng Thư ký Hiệp hội các doanh nghiệp Khu công nghiệp TP Hồ Chí Minh, nói: "Hiệp hội chúng tôi kiến nghị lãnh đạo thành phố trao thẩm quyền giấy phép đi đường cho các doanh nghiệp trong khu chế xuất, khu công nghiệp, khu công nghệ cao cho Ban quản lý các khu chế xuất và khu công nghiệp thành phố cũng như Ban quản lý khu công nghệ cao bởi vì đây là 2 đơn vị quản lý Nhà nước trực tiếp, họ hiểu doanh nghiệp sâu sát, nắm tình hình doanh nghiệp. Việc này là khả thi, hiệu quả, hỗ trợ nhanh chóng cho doanh nghiệp tốt hơn".

Để đảm bảo không phát sinh ổ dịch trong doanh nghiệp, Ban quản lý Khu chế xuất - khu công nghiệp TP Hồ Chí Minh yêu cầu các doanh nghiệp tiếp tục thực hiện xét nghiệm định kỳ 7 ngày/lần. Doanh nghiệp không để người lao động phải di chuyển ra khỏi nơi sản xuất để thực hiện xét nghiệm. Đồng thời, 4 phương án sản xuất mới do TP đề ra cũng tạm dừng đến khi có thông báo mới.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước