Doanh nghiệp chuyển đổi sản xuất khung thấp điểm

Ban Thời sự-Thứ sáu, ngày 26/04/2024 06:43 GMT+7

VTV.vn - Đã có hơn 1.700 doanh nghiệp cả khối thương mại, dịch vụ và sản xuất có điện năng tiêu thụ lớn từ 1 triệu kWh đã ký cam kết với ngành điện dịch chuyển phụ tải.

Tổng công ty Điện lực TP.Hồ Chí Minh cho biết đã có hơn 1.700 doanh nghiệp cả khối thương mại, dịch vụ và sản xuất có điện năng tiêu thụ lớn từ 1 triệu kWh đã ký cam kết với ngành điện dịch chuyển phụ tải. Có nghĩa các doanh nghiệp sẽ giảm hoặc ngưng sản xuất trong giờ cao điểm, chuyển đổi sản xuất ở khung thấp điểm để cùng đồng hành giảm áp lực cung cấp điện trong bối cảnh khó khăn hiện nay.

Doanh nghiệp sản xuất đá sạch ở quận Gò Vấp, TP. Hồ Chí Minh nhiều tháng qua đã điều chỉnh khung giờ sản xuất. Có nghĩa vào 21h tối, người lao động mới bắt đầu vào ca, máy móc mới bắt đầu hoạt động.

Ngoài chuyển đổi khung phụ tải, doanh nghiệp còn đầu tư hàng tỷ đồng thay đổi máy móc, thiết bị, thay đổi toàn bộ hệ thống chiếu sáng tiết kiệm năng lượng. Nhờ vậy, mỗi tháng doanh nghiệp đã tiết kiệm hơn 15% mức tiêu thụ điện, tương đương cả trăm triệu đồng.

Ông Lê Thanh Hùng - Giám đốc Công ty Lê Hùng Phát, TP. Hồ Chí Minh cho biết: "Chúng tôi đã chuyển đổi sản xuất vào ban đêm, ban đêm có hai ca. Phụ tải điện ngày xưa cũ, hai bên ngồi bàn bạc để hỗ trợ nhau, đưa bình mới giảm tiêu thụ điện năng nhiều hơn".

Trần Lê Duy Khánh - Người lao động chia sẻ: "Làm ban đêm điện thấp, khí hậu mát mẻ nên đỡ hơn ban ngày. Lương ổn, đủ lo chi phí cho gia đình trong cuộc sống hàng ngày. Thiết bị nào dùng thì chúng tôi bật, không sẽ tắt để tiết kiệm cho công ty".

Điện lực Thành phố cũng cho biết, đã có 1370/1700 doanh nghiệp ngoài dịch chuyển phụ tải còn đồng ý điều chỉnh phụ tải. Có nghĩa khi nguồn cung điện gặp khó khăn, các doanh nghiệp sẽ đồng ý cắt giảm điện ở các khâu không cần thiết, cam kết công suất điện sẽ giảm 100 MW để đảm bảo nguồn cung.

Ông Bùi Trung Kiên - Phó Tổng Giám đốc, Tổng Công ty Điện lực TP. Hồ Chí Minh nhận định: "Thống kê và trao đổi với khách hàng để biết được nhu cầu dùng điện của khách hàng sau đó tư vấn cho từng khách hàng mức độ có thể giảm được bao nhiêu công suất vào những thời gian cao điểm và sau đó trên các biểu đồ chúng tôi có giám sát, khách hàng cũng cùng giám sát".

Ông Võ Quang Lâm - Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Điện lực Việt Nam nêu ý kiến: "Nâng cao chất lượng giám sát, quản lý kỹ thuật, quản lý vận hành các nhà máy điện và các hệ thống lưới điện truyền tải và phân phối, chúng tôi phải tăng cường đầu tư xây dựng đảm bảo giải tỏa kịp thời các trung tâm điện lực mới, tăng cường mua điện ở các nước láng giềng và đặc biệt tập trung nhiều hơn vào công tác quản lý phía sử dụng điện, bao gồm điều chỉnh phụ tải, dịch chuyển phụ tải, tiết kiệm điện".

Ngoài ra, điện lực Việt Nam còn nhanh chóng đưa điện khí hoá lỏng vào hoạt động, hoạt động hết công suất các nhà máy năng lượng từ điện gió, năng lượng mặt trời. Theo tính toán, nếu tiết kiệm 2% lượng điện năng tiêu thụ thì mỗi năm cả nước sẽ tiết kiệm được khoảng 5 tỷ kWh điện.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước