Trong Chỉ thị số 12 mới ban hành, Bộ Công Thương yêu cầu cần đánh giá nguồn cung hàng hóa, nhất là các mặt hàng thiết yếu, từ đó chủ động bảo đảm cân đối thị trường dịp cuối năm và Tết Nguyên đán 2022.
Chỉ còn khoảng 1 tháng nữa là đến Tết Nguyên đán 2022, tranh thủ thời gian này, chị Yến đã đi mua các loại đồ gia đụng, điện tử… để phục vụ nhu cầu của gia đình, cũng như trang trí thêm cho nhà cửa.
"Em thấy giá hàng hóa khá tốt, được bình ổn và người tiêu dùng không quá lo lắng về giá tăng cao về cuối năm", chị Trần Thị Yến chia sẻ.
Còn với các loại mặt hàng thiết yếu như: gạo, đồ khô, dầu ăn, mắm muối..., hiện nay trên thị trường có nhiều nhà cung cấp khác nhau, không có hiện tượng khan hàng, sốt giá. Điều đó đã mang lại niềm tin cho người tiêu dùng trong mùa mua sắm cao điểm trong năm.
Khách hàng mua sắm tại một siêu thị ở Hà Nội. (Ảnh minh họa - Ảnh: TTXVN)
Hiện nay, các đơn vị sản xuất, doanh nghiệp có hoạt động kinh doanh thương mại đều tuân thủ nghiêm các quy định về phòng, chống dịch COVID-19, áp dụng các biện pháp thích ứng an toàn với dịch bệnh để đảm bảo duy trì sản xuất; đồng thời thực hiện tốt quy định về dự trữ lưu thông, dự trữ quốc gia để cung ứng đủ, kịp thời nguồn hàng cho thị trường.
"Chúng tôi dự trữ hàng hóa gấp từ 3 - 5 lần. Bên cạnh đó, chúng tôi có một kho trung tâm tại Bắc Ninh lúc nào cũng dồi dào nguồn hàng để trung chuyển đến các siêu thị ở Thủ đô Hà Nội. Vì vậy, nguồn hàng dự trữ của chúng tôi rất phong phú", bà Nguyễn Kim Dung, Liên minh Hợp tác xã Việt Nam, cho biết.
Bên cạnh đó, các lực lượng chức năng cần tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường, kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật về giá, kinh doanh hàng hóa nhập lậu, hàng giả, hàng kém chất lượng, không bảo đảm an toàn thực phẩm và các hành vi gian lận trong thương mại.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!