Chính quyền Tổng thống Trump chỉ muốn thông qua các gói hỗ trợ nhỏ lẻ dành cho một số ngành ưu tiên, vốn đang chịu thiệt hại nặng nề do dịch COVID-19, trong khi Hạ viện do đảng Dân chủ kiểm soát lại từ chối yêu cầu này. Điều này đang khiến sự phục hồi của kinh tế Mỹ trở nên càng mong manh.
Khoảng 32.000 nhân viên của 2 hãng lớn nhất Mỹ là American Airlines và United Airlines đã phải nghỉ việc không lương. Ngành hàng không đang kêu cứu với khoản hỗ trợ khẩn cấp trị giá 25 tỷ USD.
Tuy nhiên, đêm qua (8/10), Chủ tịch Hạ viện Mỹ Nancy Pelosi tuyên bố sẽ không có cứu trợ ngành hàng không nếu đảng Cộng hòa không nâng giá trị gói kích thích kinh tế mới. Hiện đề xuất của Nhà Trắng cho gói này chỉ là 1,6 nghìn tỷ USD so với yêu cầu của đảng dân chủ là 2,2 nghìn tỷ USD.
Ngành hàng không Mỹ đang kêu cứu với khoản hỗ trợ khẩn cấp trị giá 25 tỷ USD. (Ảnh: Reuters)
"Tôi đã rất hy vọng vào một gói cứu trợ dành riêng cho ngành hàng không, hoặc ít nhất nó phải nằm trong gói cứu trợ siêu lớn dành cho nước Mỹ. Thế nhưng, chẳng có gói kích thích nào đủ lớn cả", bà Nancy Pelosi, Chủ tịch Hạ viện Mỹ nói.
Trước đó, Chủ tịch Cục Dự trữ liên bang Mỹ (FED) cũng đã lên tiếng khẳng định, việc dừng các gói kích thích thời điểm này tác động tiêu cực đến nền kinh tế, bởi sự phục hồi sẽ chỉ diễn biến nhanh hơn nếu các chính sách tiền tệ và tài khóa tiếp tục song hành.
Chủ các doanh nghiệp trên khắp nước Mỹ đang bày tỏ nỗi thất vọng trước kết quả đàm phán của 2 đảng khi làn sóng phá sản vì COVID-19 vẫn luôn rình rập.
"Ngành hàng không đã luôn ở tuyến đầu chống dịch, giờ chúng tôi nhận là sa thải hoặc phá sản", bà Sara Nelson, đại diện Hiệp hội Tiếp viên hàng không, bày tỏ.
Chủ các doanh nghiệp trên khắp nước Mỹ đang bày tỏ nỗi thất vọng trước kết quả đàm phán của 2 đảng. (Ảnh: Reuters)
Lời hứa của ông Trump về một gói kích thích lớn cho các doanh nghiệp và người dân Mỹ sẽ được tung ra ngay sau khi ông giành chiến thắng trong cuộc tranh cử Tổng thống Mỹ 2020 cũng khó có thể xoa dịu sự bất ổn hiện tại, khi thực tế, nợ của Mỹ được dự báo có thể vượt qua cả GDP nền kinh tế nước này.
"Điều này thực sự không công bằng. Rất nhiều người không nhận được bất kỳ khoản trợ cấp nào, thậm chí là chịu cảnh bị đuổi việc", anh Humberto Gonzalez, người dân Mỹ, chia sẻ.
Dù FED tuyên bố sẽ duy trì mức lãi suất thấp để tạo đà cho sự phục hồi, nhưng việc Quốc hội Mỹ bế tắc đàm phán về gói kích thích mới vẫn có thể đẩy nền kinh tế Mỹ đứng trước bờ vực tồi tệ hơn của khủng hoảng.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!