Doanh nghiệp thương mại điện tử nội vẫn “lép vế” trên sân nhà

Chinh Vũ-Thứ bảy, ngày 11/09/2021 11:22 GMT+7

VTV.vn - Báo cáo thị trường thương mại điện tử Việt Nam trong quý 2 cho thấy nhóm doanh nghiệp Việt đã có sự sụt giảm trong thứ hạng cạnh tranh với các doanh nghiệp ngoại.

Báo cáo thị trường thương mại điện tử Việt Nam trong quý 2 năm nay mới được công bố phần nào phản ánh tình hình kinh doanh của các chợ trực tuyến đầu ngành, trong bối cảnh chịu tác động của đợt bùng phát dịch thứ 4.

Trong quý 2 năm nay, dù tổng lượt truy cập website thương mại điện tử tại Việt Nam vẫn tăng 10% so với quý trước, nhưng 2 doanh nghiệp Việt thuộc top 4 sàn trực tuyến đa ngành là Tiki và Sendo đều sụt giảm lần lượt 10% và 3%. Trong khi đó, 2 đối thủ ngoại còn lại là Shopee và Lazada ghi nhận chung mức tăng khoảng 15%.

Quý 2 là thời điểm các sàn thương mại điện tử vẫn chưa bị ảnh hưởng nhiều bởi biện pháp siết chặt giãn cách như trong quý 3. Do đó, tình cảnh khó khăn hơn cho doanh nghiệp Việt đã được nhìn thấy.

"Khó khăn lớn nhất vẫn là vấn đề về giao vận. Tất cả các hàng hóa về thương mại nói chung đều bị tắc ở khâu vận chuyển. Ngoài giao vận trong thành phố, việc giao vận liên tỉnh cũng gặp khó khăn. Cứ qua mỗi tỉnh, thành, chính sách lại thay đổi, không nhất quán", ông Nguyễn Đắc Việt Dũng, Chủ tịch Sàn Thương mại điện tử Sendo, chia sẻ.

Doanh nghiệp thương mại điện tử nội vẫn “lép vế” trên sân nhà - Ảnh 1.

Trong quý 2/2021, nhóm doanh nghiệp thương mại điện tử Việt đã có sự sụt giảm trong thứ hạng cạnh tranh với các doanh nghiệp ngoại. (Ảnh minh họa: NLĐ)

Nhóm doanh nghiệp nội vốn luôn gặp khó về vốn. Đầu tháng 8 vừa qua, Tiki đã hoàn tất thành lập pháp nhân tại Singapore với mục tiêu gọi vốn thuận lợi hơn bằng hình thức phát hành cổ phiếu lần đầu ra công chúng IPO.

Còn nhóm doanh nghiệp ngoại với lợi thế có sẵn vốn dồi dào từ tập đoàn mẹ, dường như ít chịu ảnh hưởng hơn khi nền kinh tế xấu đi vì dịch bệnh.

"Chúng tôi đã xây dựng được một trong những cơ sở hạ tầng về giao vận lớn nhất tại Đông Nam Á, bao gồm hơn 400 cơ sở tại khu vực. Hơn 85% tổng số kiện hàng vận chuyển từ nhà bán đến công ty giao hàng được thực hiện bởi hệ thống logistics của riêng chúng tôi", Tổng Giám đốc Tập đoàn Lazada Chun Li cho hay.

Cũng theo báo cáo thị trường quý 2 từ bộ phận nghiên cứu iPrice, ngành bách hóa trực tuyến đã tăng trưởng đột biến khi lượt tìm kiếm tăng hơn 220% so với trước.

Đặc biệt trong tháng 7 và 8, khi các biện pháp giãn cách được siết chặt, lượng hàng thực phẩm tươi sống phân phối qua thương mại điện tử ở mức cao chưa từng có, lên đến cả ngàn tấn hàng hóa. Làm tốt nhất việc này lại là các sàn trực tuyến của các tập đoàn bưu chính lớn, vốn có sẵn mạng lưới bưu điện, giao vận ở hầu hết các tỉnh, thành.

Theo giới quan sát, đây là lợi thế nhóm doanh nghiệp nội có thể tiếp tục khai thác để nâng cao sức cạnh tranh.

"Trong nguy có cơ là một điều đúng đắn, bởi lần này cho chúng tôi nhìn thấy có rất nhiều sứ mệnh mình có khả năng thực hiện được, phục vụ cho con đường chiến lược của chúng tôi sau này", bà Cao Cẩm Linh, Giám đốc Chiến lược Viettel Post, Voso.vn, cho biết.

Mỗi doanh nghiệp đầu ngành thương mại điện tử tại Việt Nam đều đang lỗ lũy kế hàng nghìn tỷ đồng trong cuộc cạnh tranh thị phần. Trước đây, cục diện cạnh tranh khá sòng phẳng giữa nhóm nội và ngoại, nhưng với diễn biến mới, doanh nghiệp Việt cần nỗ lực nhiều hơn những gì từng làm được.

Thương mại điện tử - Cơ hội cho nông nghiệp các địa phương Thương mại điện tử - Cơ hội cho nông nghiệp các địa phương

VTV.vn - Việc tham gia thương mại điện tử giúp cho các hộ sản xuất nông nghiệp tìm kiếm được nhiều thị trường tiêu thụ, thúc đẩy nhanh hơn kế hoạch sản xuất kinh doanh.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước