Doanh nghiệp thủy sản “đuối sức” trước đại dịch

Ban Thời sự-Thứ bảy, ngày 11/09/2021 14:55 GMT+7

VTV.vn - Theo nhận định của ngành chức năng, chỉ khoảng 30 - 40% doanh nghiệp thủy sản có đủ năng lực phục hồi sản xuất sau khi hết giãn cách xã hội.

Nguy cơ gãy đổ chuỗi sản xuất thủy sản

Trong tuần này, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã ký ban hành Nghị quyết số 105 của Chính phủ về hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh trong bối cảnh dịch COVID-19. Những giải pháp hỗ trợ là vô cùng quý giá, đặc biệt với doanh nghiệp thủy sản, khi quý 4 tới đây là giai đoạn then chốt để đáp ứng các đơn hàng xuất khẩu.

Trong hơn 1 tháng qua, chỉ khoảng 30 - 40% doanh nghiệp thủy sản tại các tỉnh thành phía Nam đảm bảo được điều kiện hoạt động, công suất sản xuất cũng giảm chỉ còn 40 - 50% so với trước đây. Các doanh nghiệp có trụ được đến thời điểm này cũng đã bị đuối sức.

Hệ quả là tính tới cuối tháng 8, khoảng 40 - 50% đơn hàng thủy sản bị giao trễ hẹn và khoảng 10 - 15% đơn hàng bị hủy. Cùng với đó là những cảnh báo về nguy cơ gãy đổ chuỗi sản xuất, xuất khẩu trong thời gian tới.

Doanh nghiệp thủy sản “đuối sức” trước đại dịch - Ảnh 1.

Tới cuối tháng 8, khoảng 40 - 50% đơn hàng thủy sản bị giao trễ hẹn và khoảng 10 - 15% đơn hàng bị hủy. (Ảnh minh họa: TTXVN)

Mỗi tháng, Mekong Food Group cần từ 2.000 - 3.000 tấn nguyên liệu thủy sản các loại để chế biến xuất khẩu, nhưng nguồn cung từ các địa phương về nhà máy chưa được 1/4. Sau 2 tháng thông cảm, các khách hàng nước ngoài bắt đầu có phản ứng.

"Chúng ta giữ đơn hàng quá lâu, tiền cọc giữ của họ cũng lâu, trong khi kế hoạch sản xuất không rõ ràng. Vì vậy, khách hàng yêu cầu một là hủy hợp đồng, trả cọc; hai là xuất hàng ngay", Tổng Giám đốc Mekong Food Group Hoàng Văn Duy cho biết.

"Từ tháng 7 trở về sau, dường như các doanh nghiệp đã đóng băng, chỉ khoảng 30% trên tổng số doanh nghiệp còn duy trì 20 - 40% công suất", ông Nguyễn Phương Lam, Giám đốc Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam chi nhánh Cần Thơ, cho hay.

"3 tại chỗ, 2 cung đường, 1 điểm đến", những giải pháp mang tính nỗ lực của các doanh nghiệp thủy sản cũng đang dần đuối sức. Bởi để đảm bảo, chi phí sẽ tăng từ 50 - 100%, trong khi lực lượng lao động lại khan hiếm và bản thân doanh nghiệp cũng không còn đủ nguồn vốn để duy trì. Một khi doanh nghiệp đuối sức, nông dân càng thêm mệt mỏi.

Một số ý kiến đề xuất nguồn vốn hỗ trợ cho ngành hàng thủy sản, từ người nuôi tới doanh nghiệp. Nếu không thì khả năng đứt gãy sản xuất từ khâu đầu vào là rất cao, bởi nông dân không thể tái đầu tư. Từ đó, giá xuất khẩu sẽ tăng từ 40 - 50%, làm mất khả năng cạnh tranh trong thời gian tới.

"Phải xác định lượng công nhân đã tiêm từ 1 - 2 mũi vaccine hoặc lượng công nhân đang ở các vùng xanh, thì phải khuyến nghị chính quyền các địa phương tạo điều kiện cho làm lực lượng sản xuất. Sau 15/9, mong muốn chính quyền các địa phương ở Đồng bằng sông Cửu Long sẽ có sự thống nhất kết nối giữa các tỉnh với nhau", ông Nguyễn Phương Lam cho biết thêm.

Theo nhận định của ngành chức năng, chỉ khoảng 30 - 40% doanh nghiệp chế biến thủy sản có đủ năng lực phục hồi sản xuất sau khi hết giãn cách xã hội. Số còn lại sẽ gặp rất nhiều khó khăn hoặc cần thời gian dài để tái sản xuất. Ở góc độ khác, khả năng lấy được các đơn hàng cho mùa lễ cuối năm của các doanh nghiệp là rất hạn chế.

Xuất khẩu thủy sản giảm mạnh

Hệ lụy từ sự đình trệ trong sản xuất của chuỗi thủy sản nhìn thấy rõ khi kết quả xuất khẩu thủy sản tháng 8 đã giảm 36% so với cùng kỳ năm 2020 và giảm ở hầu hết sản phẩm chủ lực.

Số liệu của Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP) cho biết, trong tháng 8, kim ngạch xuất khẩu thủy sản chỉ đạt khoảng 520 triệu USD, giảm ở hầu hết các sản phẩm chủ lực so với tháng 8/2020. Trong đó, xuất khẩu tôm, cá tra, cá ngừ, mực, bạch tuộc và cá biển khác đều giảm từ 35 - 40% so với cùng kỳ. Tuy nhiên, nhờ kết quả xuất khẩu 7 tháng đầu năm tăng cao nên, tính cộng dồn 8 tháng đầu năm xuất khẩu thủy sản vẫn tăng khoảng 6% đạt 5,5 tỷ USD.

Bức tranh xuất khẩu thủy sản cuối năm

"Xuất khẩu 3 tháng cuối năm có thể hồi phục nhẹ và có thể đạt kim ngạch xuất khẩu khoảng 8,5 - 8,6 tỷ USD", đó là nhận định của Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam, nhưng với điều kiện là ngay sau tháng 9, hầu hết công nhân chế biến thủy sản được tiêm vaccine, các công ty không phải sản xuất "3 tại chỗ".

Còn ở thời điểm này, theo VASEP, diễn biến COVID-19 vẫn còn căng thẳng ở các tỉnh, thành phía Nam, dự báo xuất khẩu thủy sản trong tháng 9 sẽ tiếp tục giảm ít nhất 20%.

Tuy nhiên, các doanh nghiệp cũng tin tưởng rằng với những nhiệm vụ và giải pháp Thủ tướng Chính phủ vừa giao cho các Bộ, ngành, bức tranh sản xuất và thủy sản những tháng cuối năm sẽ có những gam màu tươi sáng.

Doanh nghiệp thủy sản “đuối sức” trước đại dịch - Ảnh 2.

Chế biến cá tra xuất khẩu tại một nhà máy chế biển thủy sản ở tỉnh Đồng Tháp. (Ảnh: TTXVN)

Cụ thể, Chính phủ quyết nghị các nhóm giải pháp chủ yếu như:

Bộ Y tế tiếp tục phân bổ hợp lý, hiệu quả nguồn vaccine phòng COVID-19, bổ sung các đối tượng ưu tiên tiêm, bao gồm người lao động của doanh nghiệp thủy sản; trong tháng 9 này, cần ban hành văn bản hướng dẫn việc doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh thực hiện việc tự xét nghiệm và việc công nhận kết quả xét nghiệm.

Bộ Giao thông vận tải hướng dẫn các địa phương thực hiện thống nhất "luồng xanh", liên tỉnh, liên vùng trên nguyên tắc đơn giản hóa thủ tục, không quy định thêm các điều kiện, giấy phép con cản trở lưu thông hàng hóa.

Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chỉ đạo, theo dõi, đôn đốc các tổ chức tín dụng triển khai các giải pháp tháo gỡ khó khăn về vốn vay cho các thương nhân, doanh nghiệp.

Thủ tướng cũng giao Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp với Bộ Công Thương, các địa phương, hiệp hội, ngành hàng tổng hợp tình hình sản xuất, tiêu thụ, hoạt động của các doanh nghiệp, hợp tác xã chế biến, hộ kinh doanh trong lĩnh vực nông, lâm, thủy sản; chủ động, kịp thời triển khai các giải pháp tháo gỡ, không để đứt gãy sản xuất, đảm bảo cung ứng, tiêu thụ.

Phó Thủ tướng chỉ đạo tháo gỡ khó khăn trong sản xuất thủy sản do dịch bệnh Phó Thủ tướng chỉ đạo tháo gỡ khó khăn trong sản xuất thủy sản do dịch bệnh

VTV.vn - Phó Thủ tướng Lê Văn Thành chỉ đạo các Bộ, ngành liên quan tháo gỡ khó khăn trong sản xuất thủy sản do ảnh hưởng của dịch COVID-19 kéo dài.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước