Thủy sản tháng 8 tăng trưởng âm
Hiện nay, thủy sản đang chiếm hơn 35% giá trị của ngành nông nghiệp, thế nhưng đến thời điểm này đã có tới 70% nhà máy chế biến thủy sản ngừng hoạt động. Chưa kể, những nhà máy còn lại chỉ hoạt động cầm chừng, từ 30 - 35% công suất.
Đáng lẽ như mọi năm, đây là thời gian cao điểm để các doanh nghiệp tăng cường thu mua nguyên liệu đáp ứng đơn hàng xuất khẩu cuối năm. Thế nhưng từ cuối tháng 7 đến nay, ngành thủy sản tiếp tục chịu ảnh hưởng nặng nề bởi dịch COVID-19, nên kết quả tháng 8 đang là tăng trưởng âm, mức giảm đầu tiên trong năm.
Lũy kế 8 tháng, tổng sản lượng thủy sản ước đạt gần 5,7 triệu tấn, tăng 1,4% so với cùng kỳ năm 22020, nhưng riêng tháng 8, sản lượng đã giảm 2,6%. Cá tra và tôm giảm mạnh đã khiến sản lượng nuôi trồng giảm hơn 4% so với cùng kỳ.
Hiện nhiều doanh nghiệp thủy sản cân nhắc tới phương án ngưng hoạt động hoàn toàn, nếu trước 15/9, tình hình dịch bệnh chưa được ngăn chặn và các biện pháp giãn cách xã hội còn tiếp tục kéo dài. (Ảnh minh họa: Báo Đầu tư)
Còn sản lượng khai thác trong tháng 7, tháng 8 cũng đã giảm 120.000 tấn, do gần 20.000 tàu tạm ngừng hoạt động. Kim ngạch xuất khẩu thủy sản tháng 8 cũng giảm mạnh. Cá ngừ, cá tra và tôm... giảm gần 30% so với tháng trước, khi chỉ còn một số ít doanh nghiệp duy trì phương án 3 tại chỗ.
Ngay cả với "3 tại chỗ", 100% các doanh nghiệp được khảo sát cho rằng phương án này bộc lộ nhiều khó khăn, ví dụ như chi phí tăng cao vì phải lo ăn ở cho công nhân.
Nguy cơ đổ vỡ chuỗi sản xuất
Hiện nhiều doanh nghiệp thủy sản cân nhắc tới phương án ngưng hoạt động hoàn toàn, nếu trước 15/9, tình hình dịch bệnh chưa được ngăn chặn và các biện pháp giãn cách xã hội còn tiếp tục kéo dài. Với thực tế này, nếu Chính phủ, các địa phương không có các biện pháp khôi phục khẩn cấp thì nguy cơ bị đổ vỡ toàn chuỗi sản xuất, từ nuôi trồng - khai thác - chế biến - xuất khẩu là không thể tránh khỏi.
Riêng Đồng bằng sông Cửu Long đã có 120/449 nhà máy chế biến dừng hoạt động. Những nhà máy còn duy trì thì chi phí tăng và nguy cơ bị phạt đơn hàng rất lớn. Vấn đề cần nhất hiện nay là làm thế nào để khôi phục sản xuất của các nhà máy.
"Công nhân của chúng tôi ở Sóc Trăng rất nhiều, nhưng hiện không đi được qua địa phận giáp ranh giữa hai nơi, nên phải có cơ chế giải quyết và phối hợp giữa các tỉnh như thế nào để giải quyết, chứ không bây giờ khu công nghiệp Nam sông Hậu chết cứng", Tổng Giám đốc Công ty CP Tập đoàn thủy sản Minh Phú Lê Văn Quang cho biết.
Doanh nghiệp không có đầu ra, tồn kho lớn cũng đồng nghĩa giá mua tôm giảm. Ngày 4/7, giá mua nguyên liệu của tập đoàn Minh Phú là 113.000 đồng/kg, đến cuối tháng 8 chỉ còn 89.000 đồng/kg. Mức giá đại lý mua còn thấp hơn 5.000 - 10 000 đồng/kg và còn giảm trong những ngày tới.
"Hiện nay rất ít người mua tôm, thậm chí giá giảm chỉ còn 50.000 đồng/kg. Trong khi nhu cầu thị trường có, nhưng chúng ta đang giẫm chân lên nhau làm giá xuống và gây khó khăn cho vùng nguyên liệu", Tổng Giám đốc Công ty TNHH Đầu tư Thủy sản Nam Miền Trung Nguyễn Hoàng Anh cho hay.
Với mức giá chủ yếu là hòa và lỗ, phần lớn người nuôi tôm đều cân nhắc chuyện có thả nuôi vụ mới hay không. Dự báo việc thiếu nguyên liệu sẽ còn ảnh hưởng sang cả năm 2022.
Bước sang những ngày đầu tháng 9, phần lớn các doanh nghiệp đều lo lắng khi hiện nay, nhu cầu nhập khẩu của thế giới đang tăng, Việt Nam lại có nguồn tôm lớn, nhưng lại không thể đáp ứng đơn hàng. Làm thế nào để sớm có những giải pháp vừa chống dịch, vừa phục hồi sản xuất, đó cũng là nội dung của hội nghị trực tuyến giữa Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cùng với các địa phương và doanh nghiệp vừa được tổ chức.
Cần sớm có giải pháp phục hồi chuỗi thủy sản
Cần đẩy nhanh tỷ lệ tiêm vaccine cho lao động ngành thủy sản khi hiện nay tiêm mũi 1 mới chỉ đạt 40%; tăng mức hỗ trợ tiền điện, hỗ trợ lãi suất vay vốn, bảo hiểm và doanh nghiệp lên phương án tăng công suất hoạt động sớm nhất có thể là những giải pháp được các bên đưa ra. Bởi với ngành thủy sản, đặc biệt là tôm, nếu trước ngày 15/9, sản xuất không được phục hồi thì coi như mất cơ hội thị trường.
Dây chuyền chế biến sản phẩm tôm hấp chín xuất khẩu tại một nhà máy ở Hậu Giang. (Ảnh: TTXVN)
"Cố gắng làm sao đến 15/9 có thể phục hồi sản xuất, để đến cuối tháng 9 số lượng doanh nghiệp duy trì sản xuất hiện nay vượt ngưỡng 50% công suất, các nhà máy đã ngừng sản xuất trong cả tháng vừa qua có thể bắt đầu ở ngưỡng 20 - 30% công suất. Như vậy mới có thể cứu vãn được tình hình hiện nay", Phó Tổng Thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam Nguyễn Hoài Nam nhận định.
"Sau hội nghị này, chúng tôi sẽ tiếp tục gửi tới Chính phủ, Thủ tướng để chúng ta thực hiện và triển khai các giải pháp. Để nuôi tôm mất khoảng 3 tháng, nếu không khẩn trương thì chúng ta không còn cơ hội để xuống vụ tôm thu hoạch vào cuối năm", Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Phùng Đức Tiến cho hay.
Ước tính, công suất hoạt động của toàn ngành cá tra chỉ từ 10 - 20%. Để phục hồi sản xuất trong bối cảnh giãn cách Bộ Nông nghiệp cũng đề nghị các tỉnh có phương án thích hợp, bên cạnh đó cũng cần tiếp tục tháo gỡ lưu thông vật tư thiết yếu cho cả chế biến và nuôi trồng.
Năm nay, ngành thủy sản đặt mục tiêu đạt 8,6 triệu tấn về sản lượng và kim ngạch xuất khẩu khoảng 8,8 tỷ USD. Từ tháng 7, với sự hồi phục nhu cầu tại hai thị trường lớn Mỹ và EU, nhiều chuyên gia cho rằng đây là mục tiêu khả thi. Tuy nhiên, những gì đang diễn ra trong tháng 8 và tháng 9 này đang đặt ra nhiều thách thức đối với ngành thủy sản, vì vậy cần hơn nữa những nỗ lực tháo gỡ từ Chính phủ, địa phương và các doanh nghiệp.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!