Doanh nghiệp Việt chưa biết cách bảo vệ mình ở nội địa?

Thúy Hằng-Thứ tư, ngày 27/03/2013 09:48 GMT+7

Sản phẩm dầu ăn của các DN trong nước (Ảnh: VTVNews)

 So với 50 vụ DN Việt Nam bị áp dụng các biện pháp phòng vệ ở nước ngoài, con số 2 DN trong nước chủ động đề nghị áp đặt các biện pháp tự vệ thương mại ở trong nước là quá nhỏ. Phải chăng các DN Việt chưa biết cách bảo vệ mình ở ngay trong nội địa?

Trong khi các DN xuất khẩu cá tra đang đau đầu với vụ kiện chống bán phá giá tại Mỹ, thì Tổng công ty công nghiệp Dầu thực vật Việt Nam (Vocarimex) cũng kiến nghị bộ Công thương áp dụng biện pháp tự vệ thương mại với các doanh nghiệp nhập khẩu dầu ăn. Điều đáng nói, đây mới chỉ là DN thứ hai chủ động đề nghị áp đặt biện pháp tự vệ thương mại. So với con số 50 vụ doanh nghiệp Việt Nam bị áp dụng các biện pháp phòng vệ ở nước ngoài, con số hai vụ việc trên đang cho thấy, các doanh nghiệp Việt Nam chưa tận dụng được các công cụ tự bảo vệ mình tại thị trường nội địa.

Theo Vocarimex - doanh nghiệp Việt Nam hiện chiếm 29% thị phần dầu ăn trong nước. Năm 2012, sau khi thuế nhập khẩu dầu ăn giảm còn 0%, nhiều loại dầu thực vật nhập khẩu đã ồ ạt tràn vào thị trường Việt Nam, gây điêu đứng cho nhiều DN trong trước. Từ đó, Vocarimex đã đề xuất bộ Công thương áp dụng biện pháp tự vệ tương đương với thuế suất nhập khẩu 2% với một số mặt hàng dầu ăn của DN nước ngoài.

Trong khi đó, theo tập đoàn Mỹ Lan, trong lĩnh vực in và đóng gói bao bì nhiều nhà sản xuất từ Trung Quốc đang cung cấp bản in offset vào thị trường Việt Nam với giá dưới giá thành sản xuất với sự hỗ trợ của chính phủ nước này. Cụ thể, giá thành một mét bản in offset sản xuất khoảng 72.000đ, nhưng họ chỉ bán tại Việt Nam với giá 60.000đ.

TS.Nguyễn Thanh Mỹ, Tổng giám đốc, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Mỹ Lan cho biết: “Họ bán dưới giá thành 3% do doanh nghiệp Trung Quốc được nhận hỗ trợ 13% từ Chính phủ Trung Quốc”.

Theo đại diện bộ Công thương, nhiều doanh nghiệp nội đang bị cạnh tranh gay gắt bởi các đối thủ ngoại nhưng chưa biết tận dụng các công cụ tự vệ. Đơn cử như tự vệ thương mại là một công cụ được Tổ chức Thương mại quốc tế WTO cho phép các quốc gia áp đặt cho DN nhập khẩu nhằm bảo vệ sản xuất trong nước.

Biện pháp thường thấy nhất là nâng thuế nhập khẩu trong một thời gian nhất định. Đại diện bộ Công thương khuyến nghị, trong các trường hợp bị cạnh tranh gay gắt, DN cần chủ động theo dõi thị trường và đề xuất sự vào cuộc của cơ quan Nhà nước.

Theo ông Bạch Văn Mừng, Cục trưởng cục Cạnh tranh, bộ Công thương: “Với vụ việc Vocarimex, cục Cạnh tranh đang điều tra và sẽ công bố quyết định có áp dụng biện pháp tự vệ thương mại theo đề nghị của doanh nghiệp này hay không trong vòng 6 tháng tới”.

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước