Doanh nghiệp Việt Nam cần chủ động nâng cao chất lượng sản phẩm để cạnh tranh

Ban Truyền hình đối ngoại-Thứ sáu, ngày 03/01/2020 06:00 GMT+7

VTV.vn - Theo các chuyên gia, doanh nghiệp Việt Nam cần chủ nâng cao chất lượng, mẫu mã sản phẩm và quảng bá hình ảnh để tăng năng lực cạnh tranh trong thị trường RCEP.

Việt Nam chính thức bắt đầu đảm nhiệm cương vị Chủ tịch ASEAN 2020 từ hôm 1/1. Với cương vị này, Việt Nam đặt ra nhiều ưu tiên, bao gồm việc thúc đẩy ký kết Hiệp định đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) trong năm nay. Vậy vai trò cụ thể của Việt Nam là gì trong thúc đẩy ký kết hiệp định thương mại này và với những thay đổi sau khi kết thúc đàm phán, hiệp định này sẽ tác động như thế nào đến doanh nghiệp Việt Nam?

Hiệp định đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) ban đầu có 16 quốc gia thành viên. Tuy nhiên, theo tuyên bố chung kết thúc đàm phán, 15 quốc gia đã thống nhất kết thúc đàm phán tất cả 20 chương của hiệp định. Riêng Ấn Độ còn một số vấn đề chưa được giải quyết được, nên sẽ tiếp tục làm việc với các nước để đạt được giải pháp cho tất cả các bên. Dù vậy, theo các chuyên gia, một khi hoàn thiện các đầy đủ các văn bản pháp lý và bản dịch, RCEP vẫn có thể sẵn sàng để được ký kết, kỳ vọng trong tháng 2/2020.

Dù vắng bóng Ấn Độ, RCEP vẫn là hiệp định tạo ra khu vực thương mại tự do lớn nhất thế giới, bao trùm khoảng 30% GDP toàn cầu. Hiệp định này cũng giúp thống nhất 6 hiệp định thương mại tự do song phương riêng lẻ giữa ASEAN với từng nước trong 6 đối tác RCEP còn lại. Thêm vào đó, khi có hiệu lực, RCEP có thể mở ra cơ hội phát triển thị trường cho nhiều ngành sản xuất của Việt Nam.

Tuy nhiên, một số doanh nghiệp vẫn băn khoăn rằng có nhiều đối tác trong các thành viên RCEP có cơ cấu sản phẩm tương tự Việt Nam, lại có năng lực cạnh tranh mạnh hơn.

PGS.TS Đặng Hoàng Linh - Trưởng khoa Kinh tế, Học viện Ngoại giao: "Các sản phẩm Việt Nam có lợi thế như nông sản, hàng chế biến hay đồ may mặc nó không có sự bổ sung mà có sự tương đồng lớn với các nước khác như Trung Quốc hay Thái Lan. Các ngành dịch vụ đặc biệt như thị trường về nhân lực, thị trường về dịch vụ về tài chính, ngân hàng hay thị trường với viễn thông thì đây là những ngành chúng ta sẽ bị cạnh tranh rất lớn".

Do vậy, chuyên gia khuyến nghị rằng doanh nghiệp Việt Nam cần chủ động tìm hiểu nội dung cụ thể của hiệp định liên quan trực tiếp đến ngành nghề họ đang kinh doanh. Quan trọng hơn, họ cũng cần chủ động nâng cao chất lượng, mẫu mã sản phẩm và quảng bá hình ảnh để tăng năng lực cạnh tranh trong thị trường RCEP.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước