Một số doanh nghiệp có đơn đặt hàng tăng 20 - 30% so với quý trước. Bên cạnh đó, các hợp đồng với giá trị lớn cũng được ký kết, chủ yếu đến từ các nhà nhập khẩu quan trọng từ Hoa Kỳ, Nhật Bản, EU, Trung Quốc và Hàn Quốc.
Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP) nhận định, có 3 yếu tố tích cực tác động đến xuất khẩu tôm: Một là hàng tồn kho tại các thị trường nhập khẩu giảm do lạm phát hạ nhiệt; Hai là nhu cầu đặt hàng tăng nhằm phục vụ mùa lễ hội cuối năm; Ba là nguồn cung ổn định khi các nước như Ecuador, Malaysia… kết thúc thu hoạch tôm chính vụ.
"Thị trường Hoa Kỳ, Trung Quốc đã gia tăng nhập khẩu từ tháng 5, tháng 6. Hy vọng thời gian tới xu hướng đó vẫn tiếp tục. Quan trọng hơn, giá cả ổn định giúp doanh số xuất khẩu tốt hơn", ông Trương Đình Hòe, Tổng Thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam, cho biết.
Một số doanh nghiệp xuất khẩu tôm có đơn đặt hàng tăng 20 - 30% so với quý trước. (Ảnh minh họa - Ảnh: Báo Đầu tư)
Ngoài kỳ vọng vào sức tiêu thụ từ Mỹ, sự ổn định của thị trường EU và dư địa gia tăng thị phần ở thị trường Trung Quốc, VASEP đánh giá, ngành tôm còn thêm trợ lực khi gói tín dụng 15.000 tỷ đồng vừa được Chính phủ ban hành. Điều này giúp doanh nghiệp có thêm nguồn lực để thu mua tôm với giá cao hơn cho bà con yên tâm thả nuôi vụ mới.
"Động thái rất tích cực, giúp ổn định tâm lý người nuôi. Qua số liệu tôm giống, tôi thấy tỷ trọng giảm, xấp xỉ 20% so với năm 2022 tuy nhiên người nuôi cũng nên bình tĩnh, điều chỉnh hoạt động nuôi tôm, từ đó đón cơ hội phục hồi của thị trường", ông Trương Đình Hòe, Tổng Thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam, nhận định..
Ở góc độ doanh nghiệp, hoạt động kinh doanh bắt đầu khả quan khi sự suy giảm doanh thu dần thu hẹp. Doanh nghiệp cho biết đang tập trung phát triển các loài tôm bản địa có tính đặc trưng, nâng cao hàm lượng chế biến, đa dạng hóa sản phẩm.
"Chúng ta thuận lợi hơn trong việc chiếm lĩnh thị phần cao cấp. Ở khúc thị phần này, giá có tỷ suất lợi nhuận tốt hơn những sản phẩm chế biến trung bình và khá, người nuôi an tâm để tiếp tục duy trì, mở rộng vùng nuôi", ông Hồ Quốc Lực, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Thực phẩm Sao Ta, cho hay.
"Một số lợi thế về hàng giá trị gia tăng. Phân khúc này vẫn còn sức tiêu thụ khá tốt. Đẩy mạnh phát triển mặt hàng này để có được thị trường căn bản. Một trong những giải pháp giảm được chi phí là áp dụng khoa học công nghệ vào lĩnh vực nuôi để tăng năng suất, giảm giá thành", ông Võ Văn Phục, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Thủy sản sạch Việt Nam, thông tin.
Trước tín hiệu tích cực từ thị trường, khả năng cung ứng ổn định của doanh nghiệp, VASEP dự báo, tuy không đạt kim ngạch như năm trước, nhưng xuất khẩu tôm năm nay có thể đạt trên 3 tỷ USD, về bằng mức trước dịch.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!