Dọn tổ cho "đại bàng" nội

VTV Digital-Thứ bảy, ngày 06/03/2021 06:31 GMT+7

VTV.vn - Tình trạng "không chịu lớn" của số đông doanh nghiệp tư nhân phản ánh niềm tin kinh doanh còn thấp và bấp bênh.

Lớn lên nhanh chóng trong ba thập kỷ qua, khu vực kinh tế tư nhân của Việt Nam từ vị trí nhỏ nhoi bên lề hiện đã đóng góp trên 42% GDP và thu hút 85% công ăn việc làm trong khu vực chính thức. Tuy nhiên để kinh tế tư nhân trở thành động lực phát triển chính của nền kinh tế Việt Nam vẫn đang là bài toán nan giải. Nhiều kiến nghị đáng chú ý đã được bàn thảo trong cuộc hội thảo "Làm tổ cho đại bàng nội" diễn ra chiều 5/3 tại Hạ Long (Quảng Ninh) do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tổ chức.

Theo thống kê, doanh nghiệp tư nhân trong nước hiện mới đóng góp khoảng dưới 10% GDP, tức là chỉ bằng 1 nửa so với khối FDI. Còn lại là khu vực kinh tế gia đình, hộ cá thể với quy mô nhỏ, vừa, và siêu nhỏ. Tình trạng "không chịu lớn" của số đông doanh nghiệp tư nhân phản ánh niềm tin kinh doanh còn thấp và bấp bênh.

"Vấn đề quan trọng là không phải số lượng doanh nghiệp, mà là chất lượng. Chúng ta chưa có nhiều doanh nghiệp lớn, chưa có nhiều doanh nghiệp mạnh, và thực hiện mọi đối tác công tư trong mọi lĩnh vực phát triển của đất nước. Doanh nghiệp tư nhân chung tay với nhà nước để phát triển và xây dựng các chương trình, dự án đối tác công tư là cách để chúng ta hỗ trợ cho các doanh nghiệp tư nhân phát triển", ông Vũ Tiến Lộc - Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) - nhận định.

Dọn tổ cho đại bàng nội - Ảnh 1.

Cần tạo ra một sân chơi bình đẳng cho các doanh nghiệp

Những ưu đãi thiếu công bằng dành cho FDI và cả doanh nghiệp nhà nước thân hữu phải được xóa bỏ. Đặt 2 khu vực này vào sân chơi bằng phẳng với khu vực kinh tế tư nhân trong nước. Bởi chính sự tham gia của doanh nghiệp tư nhân vào nhiều lĩnh vực độc quyền nhà nước đã làm cho thị trường cạnh tranh hơn và đông đảo người dân hưởng lợi.

Ví dụ như hàng không, thống kê tính đến tháng 3/2021 cho thấy, Bamboo Airways đang dẫn đầu về số lượng đường bay nội địa với 55 đường, đứng ở vị trí thứ hai là Vietnam Airlines với 51 đường bay.

"Nhà nước cũng cần xem xét những lĩnh vực không cần độc quyền, thì có thể mở rộng cho khối tư nhân tham gia, ngoài ra là những ưu đãi về đất đai, thuế... Đây là những yếu tố rất quan trọng để doanh nghiệp tư nhân có thể triển khai các dự án nhanh nhất", bà Hương Trần Kiều Dung - Phó Chủ tịch Tập đoàn FLC - cho biết.

Phát triển khối tư nhân không chỉ là lời giải cho bài toán tăng trưởng mà doanh nghiệp dân tộc và doanh nhân dân tộc còn đảm bảo sự tự chủ và tránh phụ thuộc của nền kinh tế Việt Nam. Doanh nghiệp FDI hiện chỉ đóng góp chừng 20-22% GDP, nhưng chiếm tới 70% tổng kim ngạch xuất khẩu, đang cho thấy FDI lại chính là khối đang được hưởng lợi nhiều hơn từ nỗ lực hội nhập của ta mang lại.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước