Dự án chậm tiến độ của ngành Công Thương, nhà ở xã hội làm “nóng” nghị trường Quốc hội

Điệp Anh - Đức Chung-Thứ sáu, ngày 06/11/2020 15:30 GMT+7

VTV.vn - Sáng 6/11, nhiều vấn đề kinh tế như: các dự án chậm tiến độ của ngành Công Thương, giải quyết bài toán nhà ở xã hội đã được đại biểu Quốc hội tranh luận sôi nổi.

Trong báo cáo tóm tắt việc thực hiện các Nghị quyết của Quốc hội, đáng chú ý, có vấn đề xử lý các doanh nghiệp chậm tiến độ, kém hiệu quả của ngành Công Thương. Theo đó, việc xử lý dựa trên nguyên tắc đề cao tính tự chủ của doanh nghiệp, Nhà nước không cấp thêm vốn.

"Một số dự án đã tìm được nhà đầu tư, hoặc đang có nhà quan tâm mua lại, tiếp tục đầu tư, hiện đang thương thảo với các nhà đầu tư một số dự án như: nhà máy sản xuất sơ sợi Đình Vũ, nhà máy gang thép Thái Nguyên giai đoạn 2, dự án Thép Việt - Trung. Về dự án nhà máy điện Thái Bình 2 do nhiều vướng mắc trong sai phạm giai đoạn trước đây, đến nay đã hoàn thành xấp xỉ 86% khối lượng. Thường trực Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã có những chỉ đạo, giao nhiệm vụ cho Tập đoàn Dầu khí Việt Nam tiếp tục triển khai hoàn thành xây dựng, đưa nhà máy vận hành vào năm 2021 - 2022", Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình cho biết.

Dự án chậm tiến độ của ngành Công Thương, nhà ở xã hội làm “nóng” nghị trường Quốc hội - Ảnh 1.

Dự án gang thép Thái Nguyên giai đoạn 2. (Ảnh: Dân trí)

Về vấn đề phát triển nhà ở theo chương trình trọng điểm quốc gia, các đại biểu nhấm mạnh, dù đạt được nhiều kết quả tích cực, tuy nhiên chất lượng lập quy hoạch đô thị còn hạn chế, cơ cấu hàng hóa bất động sản, nhất là nhà ở tại các thành phố lớn còn chưa đáp ứng được nhu cầu.

"Phân khúc nhà ở xã hội đang vắng bóng dần tại các đô thị trong những năm gần đây, trong khi đối tượng thu nhập thấp không thể tiếp cận được phân khúc nhà ở thương mại. Vậy Chính phủ và Thường trực Chính phủ có những giải pháp gì để xử lý vấn đề này?", ông Nguyễn Tạo, Đại biểu Quốc hội tỉnh Lâm Đồng, nêu ý kiến.

Trả lời chất vấn, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Phạm Hồng Hà thông tin, tính đến nay, cả nước đã xây dựng được 5,2 triệu m2 nhà ở xã hội, tuy nhiên mới giải quyết được trên 40% nhu cầu. Hạn chế lớn nhất đến từ việc thiếu nguồn cung do thủ tục đầu tư rườm rà, thiếu ngân sách hỗ trợ người mua nhà ở xã hội. Trong 9.000 tỷ đồng chính sách hỗ trợ lãi suất, hiện mới bố trí được 4.000 tỷ đồng.

Dự án chậm tiến độ của ngành Công Thương, nhà ở xã hội làm “nóng” nghị trường Quốc hội - Ảnh 2.

Phân khúc nhà ở xã hội đang vắng bóng dần tại các đô thị trong những năm gần đây. (Ảnh: Dân trí)

"Phải rà soát các loại quy hoạch, nhất là quy hoạch 1/500 để cấp phép dự án nhà ở xã hội, bố trí đủ quỹ đất... Tới đây, chúng ta cũng sửa đổi Nghị định 100 để tạo cơ chế, chính sách đột phá hơn cho doanh nghiệp, tạo điều kiện thuận lợi hơn", ông Phạm Hồng Hà, Bộ trưởng Bộ Xây dựng, cho biết.

Bộ trưởng Bộ xây dựng cũng thông tin thêm, hiện Bộ đã báo cáo Chính phủ, đề xuất chính sách hỗ trợ nhà ở giá thấp, có diện tích nhỏ hơn 70m2, giá bán khoảng 15 triệu đồng/m2, nhằm đáp ứng nhu cầu của người dân.

Xem xét đưa một số dự án ngành Công Thương ra khỏi diện yếu kém Xem xét đưa một số dự án ngành Công Thương ra khỏi diện yếu kém

VTV.vn - Thủ tướng Chính phủ đã yêu cầu phải phấn đấu hoàn thành xử lý 12 dự án, doanh nghiệp trong năm 2020, nếu phải kéo dài thì không quá nửa đầu năm 2021.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước