Dù cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ còn một tuần nữa mới diễn ra, tuy nhiên, giờ là lúc nhiều cử tri và các nhà đầu tư Mỹ đã phải tính tới phương án hậu bầu cử. Nghĩa là dự báo nền kinh tế sẽ ra sao sau bầu cử để có định hướng làm ăn và đầu tư. Năm nay, những phán đoán nào được đưa ra?
Với hầu hết cử tri Mỹ vào lúc này, kinh tế là vấn đề họ ưu tiên khi đi bỏ phiếu. Kinh tế ở đây ngoài tăng trưởng vĩ mô còn là túi tiền của hộ gia đình trong năm vừa qua và cả những năm tiếp theo.
Trang tin của hãng CBS trích thăm dò của Hiệp hội Tâm lý Mỹ thì thấy 7 trên 10 người lớn cảm thấy căng thẳng khi nghĩ về tương lai đất nước. Trong đó tình hình kinh tế nói chung và cuộc bầu cử Tổng thống là hai nhân tố chính. Các lo lắng như: "liệu người tôi không bỏ phiếu thắng thì sao? Chính sách có phù hợp không?" hay gia đình có thể lục đục vì mỗi người lại bỏ phiếu cho một ứng cử viên.
Hãng tin Reuters cho biết, kinh tế Mỹ đang bùng nổ, nhưng cử tri lại có vẻ vẫn lưỡng lự. Cụ thể, tình trạng kinh tế được đánh giá là tốt nhất trong lịch sử các cuộc bầu cử gần đây. Tỷ lệ thất nghiệp thấp nhất trong hơn hai thập kỷ. Giá xăng đã giảm. Lạm phát được cải thiện. Theo bài bảo, dù đây là điểm thuận lợi cho bà Harris. Nhưng kinh tế hồi phục như vậy đến tương đối muộn. Và khó thay đổi được sự thật rằng nhiều người Mỹ cảm giác họ không còn được giàu như trước kia.
Nhưng liệu đó có là do tình hình chung trong giai đoạn hiện nay hay do các chính sách? Cử tri và các nhà đầu tư Mỹ đang xem xét kỹ những thông tin có thể để đưa ra quyết định của mình, bởi dự liệu những năm trước mắt mới thực sự quan trọng.
Nhật báo phố Wall bình, cuộc chiến hai năm rưỡi nhằm hạ lạm phát đang thành công, cuộc bầu cử có thể thay đổi điều đó. Bởi cả hai ứng cử viên đều có chính sách thúc đẩy tăng trưởng, nguy cơ làm lạm phát khó giảm thêm. Nhưng các chuyên gia kinh tế đặc biệt chú ý, chính sách của ông Trump có thể khiến lạm phát tăng cao hơn. Những ý tưởng như áp thuế toàn diện lên hàng hoá nhập khẩu (khiến giá hàng hóa tăng), trục xuất người lao động nhập cư (lao động Mỹ thường đắt) và muốn hạ lãi suất bằng Fed (nghĩa là không phải theo quy luật thị trường.)
Còn về thị trường, chuyên trang Investopedia luận giải bằng học thuyết chu kỳ bầu cử. Theo đó, các thị trường thường thể hiện tốt nhất trong nửa sau của nhiệm kỳ Tổng thống, đặc biệt là năm thứ ba, khi Tổng thống hay chính quyền đương nhiệm thúc đẩy kinh tế nhằm tái đắc cử. Trong nửa đầu, khi tiếp quản nhiệm sở, Tổng thống thường có xu hướng tập trung sâu vào thực hiện các lời hứa tranh cử. Nên thị trường sẽ chỉ tăng trưởng nhẹ từ 3-6%.
Tuy xác suất đúng với quy luật này là cao trong nhiều cuộc bầu cử nhưng các nhà kinh tế học cũng cho rằng, mức độ tăng trưởng cao hay thấp đến đâu còn tùy thuộc thêm vào việc lưỡng viện sẽ do đảng nào kiểm soát và cả các yếu tố địa chính trị lớn bên ngoài nước Mỹ.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!