Báo Nông thôn ngày nay có bài viết: "Dự kiến đóng bảo hiểm xã hội 10 năm được hưởng lương hưu: Nhân văn nhưng còn nhiều băn khoăn". Theo bài viết, Dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (BHXH) sửa đổi đề xuất quy định rút bớt số năm đóng BHXH, chỉ cần đóng đủ 10 năm là có thể nhận lương hưu. Đề xuất này ngay lập tức được sự ủng hộ của người lao động.
Trong lần sửa đổi Luật BHXH lần này, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) đưa ra nhiều điểm mới. Trong đó, điểm mới được cho là nổi bật, nhân văn nhất là đề xuất quy định giảm thời gian đóng BHXH theo lộ trình từ 20 năm xuống còn 15 năm, 10 năm để lao động được nhận lương hưu.
Nếu Dự thảo Luật BHXH sửa đổi được thông qua, lao động hết tuổi lao động, đủ tuổi về hưu có số năm đóng BHXH đủ 10 năm có thể nhận lương hưu. Mức hưởng được tính toán phù hợp nhằm tạo điều kiện cho người lao động cao tuổi, có số năm tham gia BHXH thấp được tiếp cận và thụ hưởng quyền lợi BHXH.
Dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội sửa đổi đề xuất quy định rút bớt số năm đóng BHXH, chỉ cần đóng đủ 10 năm là có thể nhận lương hưu. (Ảnh minh họa: NLĐ)
Bên cạnh đó, dự thảo luật cũng quy định cụ thể việc tham gia BHXH bắt buộc đối với người lao động làm việc không trọn thời gian; bổ sung quy định việc tham gia BHXH bắt buộc đối với trường hợp công chức, viên chức, người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã có ký hợp đồng lao động.
Khẳng định tính cần thiết, sự nhân văn, nhưng ông Phạm Minh Huân - nguyên Thứ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội cho rằng, khi số năm đóng giảm đi, liệu mức lương hưu có đủ đảm bảo cuộc sống cho lao động sau khi về hưu.
"Hiện nay đóng 20 năm mới được 45%, nếu giờ hạ xuống còn 10 năm đóng BHXH thì lương hưu chỉ được hơn 22 - 25%, mức này quá thấp. Tuy nhiên nếu đóng thấp thì hưởng thấp và vẫn phải xử lý điều này để tạo điều kiện cho lao động có tuổi đời cao nhưng số năm đóng BHXH thấp", ông Huân nhẩm tính.
Mô hình nào cho các trung tâm tài chính tại Việt Nam?
Bốn thập kỷ trước, GDP của quần đảo nhỏ Cayman ở Caribbean gần bằng 0, nhưng sau khi thành lập trung tâm tài chính quốc tế tại đây, dòng tiền luân chuyển qua Cayman đã lên tới 2.000 tỷ USD/ngày, thu hút khoảng 80% quỹ đầu cơ toàn cầu, Báo Đầu tư vào đề bài viết "Mô hình nào cho các trung tâm tài chính tại Việt Nam?".
Việt Nam có những điều kiện thuận lợi, từ địa lý đến dân số, mối quan tâm của các tổ chức tài chính quốc tế…, để trở thành quốc gia điểm đến cho thị trường tài chính quốc tế. Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Việt Nam nằm trong múi giờ khác với 21 trung tâm tài chính khác trên toàn cầu, nếu có trung tâm tài chính quốc tế nào khác trong cùng múi giờ được thành lập trước Việt Nam tức là chúng ta đã bỏ lỡ cơ hội ngàn vàng này.
Theo Tiến sĩ Vũ Thành Tự Anh, hơn 20 năm qua, TP Hồ Chí Minh được định hướng là trung tâm tài chính cấp quốc gia và khu vực, nhưng vẫn đang trong giai đoạn ươm mầm, vì vậy cần xem xét kỹ các phương pháp tiếp cận và tìm ra kế hoạch khả thi, có thể khác các hình mẫu trung tâm tài chính trước đây.
Hơn 20 năm qua, TP Hồ Chí Minh được định hướng là trung tâm tài chính cấp quốc gia và khu vực, nhưng vẫn đang trong giai đoạn ươm mầm. (Ảnh: Báo Đầu tư)
Theo ADB, ưu tiên hàng đầu là phải xây dựng được một chiến lược rõ ràng và thuyết phục cho việc hình thành trung tâm tài chính, một chiến lược mà trong đó chỉ rõ các lợi thế cạnh tranh của Việt Nam so với các trung tâm tài chính hiện có trong khu vực và quốc tế.
Nâng cấp môi trường kinh doanh Việt Nam
Tốc độ cải cách đang "giảm tốc". Theo VCCI, các chỉ số đánh giá môi trường kinh doanh 2020 vẫn thể hiện sự tích cực hơn so với ở năm 2019, nhưng tốc độ cải thiện đã chậm lại, việc thực hiện một số biện pháp, nhiệm vụ được giao trong Nghị quyết số 02/NQ-CP đang chậm tiến độ.
Mục tiêu 1 triệu doanh nghiệp đến năm 2020 đã không đạt được khi chỉ có 811.538 doanh nghiệp đang hoạt động tính đến thời điểm 31/12/2020. TS. Trần Thị Hồng Minh - Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) cho rằng, môi trường kinh doanh vẫn còn nhiều trở ngại với doanh nghiệp như: các điều kiện kinh doanh bất cập ở cấp luật; điều kiện kinh doanh chồng chéo, không cần thiết, không minh bạch hoặc can thiệp sâu vào quyền tự quyết của doanh nghiệp; hoạt động kiểm tra chuyên ngành chuyển biến chậm...
Ví dụ như trong thực tế ngành thủy sản, vẫn còn một số tồn tại trong việc kiểm soát nhập khẩu thủy sản khi danh mục kiểm tra với mặt hàng này ngày một dày lên, 100% hàng thủy sản đều phải kiểm tra cả dịch thú y và an toàn thực phẩm, mà không có sự phân định hàng nguyên liệu hay hàng thành phẩm, cần phải được xem xét, đảm bảo thông lệ quốc tế. Thông tin sâu hơn có thể tìm đọc trên tờ Diễn đàn doanh nghiệp.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!