Ngành du lịch thế giới đã bị rung chuyển, sau khi các nước đóng cửa biên vì dịch COVID-19 lây lan. Các điểm du lịch lớn vốn tràn ngập du khách quốc tế trở nên đìu hiu hơn bao giờ hết. Australia cũng không nằm ngoài xu thế này, khi giới chức nước này ước tính ngành du lịch chịu thiệt hại khoảng 39,4 tỷ USD.
Tuy nhiên, thay vì chờ đợi đến héo mòn, nhiều doanh nghiệp lữ hành tại đây đã chuyển hướng, sang tập trung kích cầu du khách nội địa, với xu hướng du lịch tại chỗ "staycation".
Cảnh vắng vẻ tại Sydney, Australia, trong bối cảnh dịch COVID-19 lan rộng.
Trèo lên cây cầu Harbour - một biểu tượng của thành phố Sydney là trải nghiệm có 1 không 2 đối với du khách quốc tế, khi đến thăm Australia. Trước dịch COVID-19, 60% hoạt động kinh doanh của BridgeClimb - công ty quản lý địa điểm tham quan này đến từ khách nước ngoài, phần đông là từ Anh, Mỹ, và Trung Quốc.
Tuy nhiên, Australia đã phải đóng chặt cửa với du khách nước ngoài kể từ ngày 20/3. Giống như nhiều doanh nghiệp trong ngành du lịch, BridgeClimb cũng không khỏi lo lắng.
"Chúng tôi phải đóng cửa từ ngày 24/3 và chỉ mới mở cửa hoạt động lại vài tuần trước. Chúng tôi hiểu rằng những thị trường du lịch chủ chốt như Anh và Mỹ sẽ khó mà quay trở về như bình thường, ít nhất 1-2 năm nữa. Do đó, chúng tôi đã phải lên sẵn kế hoạch tập trung vào các tour nội địa", ông David Hammon - Giám đốc điều hành tour du lịch BridgeClimb nói.
Nhiều doanh nghiệp lữ hành Australia đã chuyển hướng tập trung kích cầu du lịch nội địa. Ảnh minh họa.
Công ty Bridgeclimb hy vọng rằng với mức giá hợp lý, đi kèm với quảng cáo tập trung có thể giúp họ "sống sót" qua thời kỳ khó khăn, khi lượng khách hàng tiềm năng tại Sydney đã lên đến 4 triệu, chưa kể các khu vực lân cận.
Niềm tin này cũng được củng cố, sau một nghiên cứu mới cho biết, du khách nội địa vẫn đóng góp tới hơn 71% doanh thu ngành du lịch Australia trước đại dịch.
COVID-19 có thể được ví như những khó khăn mà người leo cầu sẽ phải đối mặt. Các doanh nghiệp phải vượt qua nỗi sợ hãi, sẽ có lúc phải "bở hơi tai" để từng bước tiến lên phía trước, nhưng một khi lên được đỉnh, mọi sự vất vả sẽ được đền bù.
Ưu điểm của "staycation" là không cần lên kế hoạch trước, không cần nghỉ dài ngày và tiết kiệm chi phí di chuyển mà vẫn tận hưởng đúng nghĩa.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!