Du lịch, vận tải đường sông TP Hồ Chí Minh chật vật vì cầu tàu, bến bãi

Đào Huyền-Thứ tư, ngày 16/03/2022 18:01 GMT+7

VTV.vn - Một số doanh nghiệp đề xuất mở thêm bến thủy, có cơ chế quản lý bến thủy để kích cầu du lịch đường sông.

Từ sau bình thường mới đến nay, tại TP Hồ Chí Minh, nhiều doanh nghiệp du lịch đường sông bắt tay vào phục hồi du lịch, thiết kế và đưa ra những sản phẩm du lịch mới phù hợp với nhu cầu và túi tiền của khách du lịch nội địa.

Ông Nguyễn Linh, nhà sáng lập Công ty du lịch Sài Gòn River Thanh Tú nhận định, sau bình thường mới thuận lợi với các tuyến du lịch đường sông chính là du khách thích đi những tuyến tour ngắn, tham quan trong ngày nên du lịch sông nước rất được chú ý. "Chúng tôi phối hợp với những công ty lớn để làm những tour ngắn đi tham quan ven sông Sài Gòn rất thuận lợi", ông Linh nói.

Du lịch, vận tải đường sông TP Hồ Chí Minh chật vật vì cầu tàu, bến bãi - Ảnh 1.

Du khách tham quan thưởng ngoạn trên kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè.

Ngoài việc đón khách nội địa sau dịch, một số công ty cũng bắt đầu tính đến các phương án nhằm đón khách quốc tế tham quan tuyến đường sông của TP Hồ Chí Minh. "Chúng tôi có những sản phẩm bổ sung tour du lịch sức khỏe, đây là xu hướng của người tiêu dùng sau dịch", ông Trần Quang Duy - CEO Công ty Chim Cánh Cụt Travel Service JSC cho biết. Mặc dù nhấn mạnh giá trị du lịch đường sông và còn nhiều tiềm năng chưa khai thác hết song ông Duy cũng rất băn khoăn về những yếu tố bất lợi, trong đó có vấn đề cầu tàu, bến bãi.

Ông phân tích, du lịch đường sông tại TP Hồ Chí Minh hiện tại vẫn đắt và dường như chỉ phục vụ khách cao cấp, lý do là giá chi phí dịch vụ bến tàu còn rất cao. "Thứ nhất, chi phí bến bãi để đậu thuyền rất cao, thứ 2 các bến nội đô, bến thủy nội địa, bến để đậu thuyền đúng nghĩa thì chưa có. Ngay tại bến trung tâm thì có đi xa xa thì chưa, thậm chí cầu tàu cũng không có nên phục vụ khách bất tiện", ông Duy chia sẻ.

Trong khi đó, một số doanh nghiệp vận tải đường sông cũng chia sẻ những khó khăn khi vừa hoạt động trở lại sau dịch. Ông Trần Song Hải, TGĐ Cty Greenlines DP, đơn vị đang vận hành tàu cao tốc chở khách du lịch, đi lại nội đô và đi các địa phương lân cận cho biết. "Chúng tôi đầu tư ga tàu cao tốc Bạch Đằng từ năm 2017, mấy năm đầu chỉ đầu tư chưa có lời, đến khi hoạt động được thì gặp dịch COVID-19, chúng tôi nghỉ gần như 2 năm. Vừa mới đây hoạt động bình thường chưa lâu thì ga tàu này có khả năng phải di dời đi chỗ khác khiến chúng tôi mất nhiều chi phí đầu tư bến bãi…".

Ông Hải cho rằng du lịch đường sông của TP Hồ Chí Minh đang rất thuận lợi phát triển, sắp tới đây doanh nghiệp của ông sẽ tiến hành khảo sát mở các tour du lịch, vận tải khách từ TP Hồ Chí Minh đi Bình Dương, Bến Tre, Vĩnh Long, bằng những con tàu mới nên nhu cầu về bến thủy trở nên cấp thiết.

Ông nhận định: "Các bến thủy nội địa được mở ra rất ít và ít hợp lý cho nên các doanh nghiệp rơi vào tình trạng đầu tư tàu thì cứ đầu tư, tàu về thì không có bến đỗ phù hợp nên các nhà đầu tư rất nản đi chỗ khác. Do vậy, vận tải hành khách du lịch đang có độ nghẽn nhất định".

Du lịch, vận tải đường sông TP Hồ Chí Minh chật vật vì cầu tàu, bến bãi - Ảnh 2.

Doanh nghiệp đề xuất TP Hồ Chí Minh có thêm bến thủy để kích cầu du lịch đường sông

Ông Trần Quang Duy, CEO Chim Cánh Cụt Travel cũng nêu ý kiến cần cấp thêm bến riêng, bến nội đô hoặc gia hạn cấp phép cho các bến thủy nội đô để tàu du lịch đón khách thuận lợi. Hiện tại theo ông, một số bến thủy nội địa đã bị xóa bỏ bến trên bờ vì nằm trong quy hoạch công viên ven sông, chỉ còn bến dưới nước. Ông cũng đề xuất xây thêm nhiều bến mới ở các khu vực vùng ven. "Hiện tại có nhiều bến là cửa chính ra vào của các di tích tham quan ven sông bị xóa bỏ, đóng cửa nên không còn đường vô đến các điểm tham quan", ông dẫn chứng.

Còn ông Trần Song Hải nhấn mạnh: "Phải có bến bãi, câu chuyện của TP Hồ Chí Minh rất đơn giản là phải mở ra nhiều bến bãi và phải có cơ chế quản lý bến tàu thì mới kích cầu du lịch đường thủy".

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước