Người dân Nhật Bản đang rơi vào một tình thế từ rất lâu rồi chưa xảy ra: thiếu gạo. Lượng dự trữ gạo của khu vực tư nhân đã giảm 20% so với năm 2023, xuống mức thấp nhất kể từ năm 1999, khiến các siêu thị phải hạn chế số lượng gạo mà mỗi người dân được mua. Thậm chí ở nhiều nơi khu bán gạo đã trở nên trống trơn. Ông Hidehisa Shinohara, chủ một cửa hàng gạo tại thủ đô Tokyo, cho biết ông chưa từng chứng kiến tình trạng dự trữ gạo thấp như hiện nay.
Ông Hidehisa Shinohara, chủ cửa hàng gạo tại Tokyo cho hay: "Dự trữ gạo trong cửa hàng của tôi chỉ bằng một nửa so với những năm trước. Tất cả các thương hiệu gạo đều giảm đi một nửa. Nhiều loại gạo phổ biến bây giờ cũng đã hết sạch".
Nguồn cung thiếu hụt tất yếu dẫn đến giá cả tăng cao. Số liệu mới được công bố của Bộ Nông nghiệp Nhật Bản cho thấy giá gạo đã tăng 12% so với cùng kỳ năm ngoái.
Những chủ cửa hàng như ông Hideshita lo ngại về nguy cơ nguồn cung gạo sẽ tiếp tục bấp bênh trong thời gian tới, trong khi người tiêu dùng vẫn đang gặp khó khăn trong việc tìm mua các thương hiệu gạo mà mình đã quen thuộc.
Theo Bộ Nông nghiệp, Lâm nghiệp và Thủy sản Nhật Bản, có 3 nguyên nhân chính dẫn tới tình trạng thiếu gạo. Thứ nhất là tình trạng nắng nóng gay gắt bất thường tại nước này, kéo dài từ năm ngoái đến năm này khiến suy giảm cả về năng suất lẫn chất lượng gạo. Thứ 2 là do lượng khách du lịch tăng đột biến, kéo theo nhu cầu ăn uống tăng lên, nhu cầu gạo của khách du lịch trong nước tăng khoảng 31.000 tấn so với cùng kỳ năm ngoái. Thứ 3 là do tình trạng người dân tích lũy gạo quá mức do lo ngại động đất, sóng thần trong thời gian vừa qua. Ngoài ra, một số chuyên gia cho rằng, tình trạng thiếu gạo hiện tại cũng là hệ lụy của chính sách "giảm diện tích trồng lúa" kéo dài hơn 50 năm qua tại Nhật Bản.
Tình trạng nắng nóng gay gắt bất thường tại Nhật Bản, kéo dài từ năm ngoái đến năm này khiến suy giảm cả về năng suất lẫn chất lượng gạo.
Hiện tại, tình trạng thiếu gạo vẫn tiếp diễn và mỗi người dân Nhật Bản chỉ được mua với số lượng nhất định tại các siêu thị. Tình trạng này dự kiến sẽ giảm bớt vào tháng 9, khi đợt thu hoạch gạo mới sẽ bắt đầu và được chuyển đến tay người tiêu dùng, đồng thời chấm dứt hoàn toàn vào tháng 10 và 11.
Những cam kết của chính phủ Nhật Bản thực sự là điều rất có ý nghĩa với thị trường, bởi vào thời điểm hiện nay giá gạo đang tăng phi mã. Trong vòng 9 tháng, giá gạo vốn là mặt hàng rất ổn định tại Nhật Bản, đã tăng từ 15.300 yen, tức 2,6 triệu đồng mỗi 60 cân gạo lứt lên thành 15.900 yen, tức 2,7 triệu đồng, mức cao nhất trong vòng 11 năm trở lại đây.
Biện pháp trước mắt của Chính phủ Nhật Bản là đưa ra các tuyên bố trấn an người dân, khi đưa ra khẳng định tình trạng thiếu gạo sẽ sớm chấm dứt. Hơn nữa, chính phủ nước này cũng tuyên bố "không có kế hoạch giải phóng kho gạo dự trữ" - hệ thống dự trữ gạo chiến lược của Nhật Bản từ năm 1995, nên tình trạng hiện nay được hiểu là chưa ảnh hưởng đến an ninh lương thực của nước này.
Hiện tại, Bộ Nông nghiệp, Lâm nghiệp và Thủy sản Nhật Bản vẫn sử dụng các biện pháp thị trường giải quyết vấn đề thiếu gạo, cụ thể: Tăng lượng nhập khẩu gạo từ nước ngoài, chú ý tới gạo từ Việt Nam, Thái Lan; trồng các giống lúa năng suất cao, có khả năng chịu nóng; tăng giá gạo và tránh hiện tượng đầu cơ; huy động các kho dự trữ tư nhân.
Về dài hạn, tiếp tục sáng kiến thu hồi đất của những người nông dân không thể sản xuất lúa do già hóa và biến thành công ty sản xuất lúa gạo hoặc cánh đồng mẫu lớn; thúc đẩy ứng dụng khoa học tiên tiến và giải quyết vấn đề thiếu hụt lao động trong nông nghiệp.
Bên cạnh việc tăng cường nhập khẩu gạo thì Nhật Bản cũng phải tìm cách cải thiện sức chống chịu của các giống lúa trước tình trạng biến đổi khí hậu và nắng nóng ngày càng khốc liệt như hiện nay. Theo đó, ngành nông nghiệp Nhật Bản đang có xu hướng chuyển dịch hướng sang các giống lúa chịu nhiệt.
Các quan chức tỉnh Niigata - một trong những vựa lúa lớn của Nhật Bản cho biết, giống lúa chịu nhiệt Shinnosuke do chính quyền tỉnh phát triển đã được trồng trên 5.300 ha trong năm nay, tăng 20% so với năm trước. Mặc dù mất nhiều thời gian và công sức hơn để trồng giống lúa này, nhưng tính đến hết năm ngoái, 94,7% lúa Shinnosuke thu hoạch được xếp hạng chất lượng loại một, mặc dù mùa hè năm ngoái cực kỳ nóng. Vì vậy, hợp tác xã nông nghiệp tỉnh đang khuyến khích nông dân trồng loại lúa này.
Bộ Nông nghiệp, Lâm nghiệp và Thủy sản Nhật Bản cho biết, các giống lúa chịu nhiệt chiếm 14,7% tổng sản lượng lúa được trồng ở Nhật Bản vào năm 2023, trong khi con số năm 2019 mới chỉ là 9,9%.
Nhật Bản đang chờ đợi vụ mùa sắp tới sẽ được thu hoạch vào tháng 9 sẽ giải quyết được nguồn cung gạo trong ngắn hạn, đồng thời việc cải thiện năng lực chịu nhiệt của các giống lúa sẽ mang lại các hiệu quả tích cực trong dài hạn.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!