Đưa hàng hóa trực tiếp vào các hệ thống phân phối hiện đại trên thế giới được coi là hình thức xuất khẩu hiệu quả, bền vững được nhiều doanh nghiệp trong nước theo đuổi. Điều này đòi hỏi các doanh nghiệp Việt Nam khi cung cấp các loại hàng hóa phải có chất lượng và dịch vụ hậu mãi chu đáo. Đây là nội dung chính được Bộ Công Thương và các tập đoàn bán lẻ nước ngoài đưa ra trong buổi tập huấn hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam tham gia các mạng phân phối nước ngoài.
Hàng hóa doanh nghiệp Việt dù đã đáp ứng đủ các tiêu chuẩn để xuất hiện tại các hệ thống siêu thị lớn như BigC của Central Group, Aeon… nhưng vẫn chỉ là tiêu thụ trong nước. Còn để đưa vào hệ thống phân phối của chính các doanh nghiệp này tại Thái Lan hay Nhật Bản, Hàn Quốc còn phải đáp ứng rất nhiều yêu cầu khác từ các nhà phân phối.
Một trong những yêu cầu của các nhà bán lẻ là doanh nghiệp Việt Nam cần phải chú trọng hơn về mẫu mã sản phẩm. Bởi có thực tế là nhiều sản phẩm Việt bán rất chạy, rất thành công tại các siêu thị trong nước, nhưng khi ra các thị trường nước ngoài thông qua các nhà bán lẻ như Thái Lan, Hàn Quốc, Nhật Bản…. lại ế ẩm không bán được hàng.
Cà phê, chè, mì ăn liền, miến, trái cây sấy khô, và nhiều sản phẩm nông sản, thủ công Việt Nam khác đang rất hấp dẫn người tiêu dùng Thái Lan, Nhật Bản. Nhưng để định hình thương hiệu tại nước ngoài, doanh nghiệp Việt cần am hiểu hơn sở thích tiêu dùng của họ.
Khi tham gia trực tiếp vào mạng lưới phân phối của nước ngoài, lợi thế đối với các trong nước đó là sẽ nắm bắt tốt hơn nhu cầu của người tiêu dùng, cách quản lý chất lượng nhằm đảm bảo đủ tiêu chuẩn của các nhà bán lẻ hàng đầu thế giới.
Đối với các nhà bán lẻ họ sẽ phát triển thêm về nguồn hàng, kiểm soát tốt hơn chất lượng, nhất là đối với các mặt hàng nông lâm thủy sản. Thêm vào đó, cả hai bên đều có lợi về giá thông qua giảm chi phí trung gian.
Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam TV Online!