Dự kiến, nền kinh tế Đức sẽ tăng trưởng 4,2% vào năm nay. (Ảnh minh họa - Ảnh: Getty Images)
Theo Bộ trưởng Tài chính Đức Christian Lindner, dự thảo ngân sách năm 2023 sẽ bao gồm các khoản miễn giảm như đóng góp bảo hiểm hưu trí và chấm dứt phụ phí giá điện.
Cũng theo ông Lindner, ông đã yêu cầu các đồng nghiệp trong nội các xem xét lại các dự án chi tiêu của các bộ. Ông nhấn mạnh nước Đức phải đưa nền tài chính công trở lại lành mạnh và một trong những giải pháp để tiết kiệm ngân sách là dừng xây dựng nhà ga mới tại sân bay BER của Berlin, với chi phí 50 triệu euro. Ông đề xuất sử dụng một tòa nhà tạm thời để thay thế.
Đức cũng lên kế hoạch cho một dự luật thuế để giúp các doanh nghiệp đối phó với đại dịch COVID-19.
Hiện số doanh nghiệp Đức đang gặp các vấn đề về nguồn cung đã lên mức cao kỷ lục, trong bối cảnh tình trạng tắc nghẽn nguồn cung trở nên nghiêm trọng hơn trong tháng 12/2021.
Bộ trưởng Tài chính Đức Christian Lindner. (Ảnh: Reuters)
Gần 82% số doanh nghiệp tham gia khảo sát của Viện kinh tế Ifo cho biết, họ gặp khó khăn trong việc tìm nguồn linh kiện và nguyên liệu thô. Đây là tỷ lệ cao nhất Ifo từng ghi nhận.
Để kiềm chế tác động của dịch bệnh, chính phủ của Thủ tướng Olaf Scholz đã đồng ý sử dụng điều khoản khẩn cấp trong hiến pháp năm thứ ba liên tiếp vào năm 2022 để “treo lại” quy định về trần nợ và cung cấp các khoản vay mới trị giá 100 tỷ euro. Từ năm 2023 trở đi, chính phủ đặt mục tiêu quay trở lại áp dụng quy định về trần nợ theo hiến pháp.
Tháng trước, Ngân hàng trung ương Đức đã hạ triển vọng tăng trưởng kinh tế nước này trong năm 2022 và nâng mức dự báo về lạm phát, do tình trạng tắc nghẽn chuỗi cung ứng kéo dài và đại dịch COVID-19. Dự kiến, nền kinh tế lớn nhất châu Âu sẽ tăng trưởng 4,2% vào năm nay.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!