Ngoài phá kỷ lục về thời gian thi công, đến nay dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông là dự án có thời gian vận hành thử nghiệm lâu nhất, 3 năm.
Theo tờ Tiền Phong, cả đại diện Ban Quản lý dự án đường sắt và Bộ Giao thông Vận tải (chủ đầu tư) đều cho biết, dự án đã thi công xong đến 99%, chỉ còn khoảng 1% liên quan đến hồ sơ kỹ thuật và chủ đầu tư cùng các bên liên quan đang hoàn thiện.
Dù chưa hoàn thành, nhưng hiện nay dự án đã phải trả nợ gốc và lãi theo hợp đồng vay vốn. Ngoài khoản vay chính 868 triệu USD, chủ đầu tư đã phải vay bổ sung khoản 250 triệu USD. Chỉ tính riêng khoản này, mỗi năm phía chủ đầu tư đã phải đề nghị Bộ Tài chính chi 650 tỷ đồng để trả nợ.
Dù chưa hoàn thành, nhưng hiện nay dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông đã phải trả nợ gốc và lãi theo hợp đồng vay vốn.
Ngoài trách nhiệm chính thuộc phía Tổng thầu Trung Quốc, Ban Quản lý dự án đường sắt, Bộ Giao thông Vận tải - đại diện chủ đầu tư cũng cần chịu trách nhiệm trong quản lý, điều hành dự án.
Dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông có chiều dài 13 km với 12 nhà ga trên cao. Dự án được khởi công tháng 10/2011 và có tiến độ hoàn thành tháng 6/2015. Đến nay, dự án đã trải qua 10 năm thi công với 12 lần lỡ hẹn. Mức đầu tư phê duyệt ban đầu của dự án là 8.769 tỷ đồng (tương đương 552 triệu USD), đến nay đã điều chỉnh tăng lên 18.000 tỷ đồng (tương đương 868 triệu USD), tăng 57%. Dự án sử dụng vốn vay ODA của Trung Quốc và do nhà thầu Trung Quốc thi công.
Danh mục quốc gia Các dự án kêu gọi đầu tư nước ngoài giai đoạn 2021 - 2025: Rốt ráo lập hồ sơ cho từng dự án
Từng dự án trong Danh mục quốc gia Các dự án kêu gọi đầu tư nước ngoài sẽ được xây dựng với rất nhiều thông tin cụ thể, nhằm tạo thuận lợi cho nhà đầu tư trong quá trình tìm hiểu, ra quyết định. Đây là đề nghị của Bộ Kế hoạch và Đầu tư với các bộ, ngành, địa phương có dự án thuộc Dự thảo Danh mục này.
Cụ thể, các cơ quan sẽ không chỉ đơn thuần cung cấp tên dự án, quy mô dự kiến như trước đây, mà sẽ có một bộ mẫu hồ sơ đầy đủ về mục tiêu, tình trạng dự án, hình thức, quy mô, chi phí đầu tư, thời gian dự kiến thực hiện dự án….
Quan trọng hơn, còn có các thông tin tổng quan về địa phương, bao gồm tiềm năng, tình hình phát triển, hạ tầng giao thông, chính sách ưu đãi…
Tờ Đầu tư nhận định, chưa biết chất lượng chuẩn bị bộ hồ sơ này đến đâu, nhưng nếu đáp ứng toàn bộ thông tin trên, đây là lần đầu tiên, Việt Nam sẽ có đầy đủ hồ sơ riêng cho các dự án quốc gia kêu gọi đầu tư nước ngoài, kỳ vọng sẽ tạo được những khác biệt căn bản trong việc xúc tiến đầu tư.
Nhiều tỉnh vẫn dè dặt mở lại vận tải thủy
Ở các tỉnh phía Nam, hoạt động vận tải hàng hóa bằng đường thủy đang dần được khôi phục trở lại, song tốc độ khôi phục còn chậm.
Báo Giao thông dẫn chứng, tại khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, hiện mỗi ngày chỉ có trên dưới 100 cảng, bến thủy có phương tiện vào làm hàng, bằng 1/6 số cảng, bến hiện nay. Tương tự, khu vực TP Hồ Chí Minh và Đông Nam Bộ, cũng chỉ có gần nửa số cảng, bến hoạt động.
Theo phản ánh của một số thuyền viên phía Nam, hiện một số trạm kiểm soát trên sông như: An Giang, Bến Tre, Long An... vẫn yêu cầu người trên phương tiện phải có chứng nhận xét nghiệm âm tính với COVID-19 mới được lưu thông.
Trong khi đó, theo hướng dẫn của Bộ Giao thông Vận tải, vận tải hàng hóa được hoạt động bình thường ở các cấp độ dịch. Chi cục Đường thủy nội địa phía Nam kiến nghị, các địa phương hai đầu bến, tuyến cần tuân thủ theo hướng dẫn, để vận tải khách bằng đường thủy khôi phục trở lại.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!