Lợi ích có thể thấy ngay. Như với Thái Lan, thời gian vận chuyển hàng đến Trung Quốc sẽ ngắn hơn 1 ngày. Chi phí logistics giảm khoảng 20%.
Từ đầu năm tới nay, hơn 30.000 tấn hàng hóa đã được Công ty Vận chuyển hàng hóa LTC&TPAS vận chuyển qua Trung Quốc bằng tuyến đường sắt Lào - Trung.
Ban lãnh đạo công ty cho biết vận chuyển bằng đường sắt có chi phí rẻ hơn từ 35 - 40% so với vận chuyển bằng được bộ và thời gian cũng chỉ mất 4 tiếng.
"Ngày trước, để vận chuyển hàng từ Vientiane lên đến biên giới Trung Quốc phải mất ít nhất từ 3 - 5 ngày. Nay nhờ có tuyến đường sắt, chúng tôi chỉ mất 4 tiếng, giảm rất nhiều thời gian", ông Vilaysack Bountome, Giám đốc Công ty Vận chuyển hàng hóa LTC&TPAS, cho biết.
Đi vào hoạt động từ cuối năm 2021, đến nay, tuyến đường sắt Lào - Trung đã vận chuyển hơn 2,4 triệu tấn hàng hóa xuyên biên giới, với giá trị hơn 2,2 tỷ USD. Hiện không chỉ có hàng hóa từ Lào, mà Thái Lan và Malaysia cũng đã thực hiện các dự án kết nối với hệ thống đường sắt Lào - Trung nhằm thúc đẩy xuất khẩu hàng hóa, nhất là các mặt hàng nông sản tới Trung Quốc.
Trạm trung chuyển ở ga Nam Vientiane trên tuyến đường sắt Trung - Lào. *Ảnh: Nhật báo Bắc Kinh)
Dự kiến, mỗi năm hơn 300.000 tấn nông sản, cao su và hàng hóa xuyên biên giới từ Thái Lan sẽ được vận chuyển đến Trung Quốc qua tuyến đường sắt này.
"Thái Lan đã phát triển hệ thống giao thông để nâng cao hiệu quả trao đổi thương mại với Trung Quốc bằng đường biển, đường thủy và đường sắt, đặc biệt là qua hệ thống đường sắt Lào - Trung, hàng hóa của Thái Lan đã có thể được vận chuyển tới Trung Quốc qua Lào", Phó Thủ tướng Thái Lan Anutin Charnvirakul nhấn mạnh.
Đến nay, Trung Quốc đã vận chuyển hàng hóa bằng đường sắt tới Lào, Thái Lan, Myanmar, Malaysia, Campuchia và Singapore. Không chỉ hàng hóa, tuyến đường sắt Lào - Trung cũng đã vận chuyển hàng triệu lượt hành khách, góp phần phục hồi ngành du lịch các nước mà nó đi qua sau dịch COVID-19.
Nâng cấp đường sắt Việt Nam kết nối liên vận quốc tế
Không chỉ Thái Lan hay Lào, giữa tháng 2 này, Campuchia cũng đã công bố kế hoạch xây dựng tuyến đường sắt cao tốc từ thủ đô Phnom Penh đến thành phố Poi Pet giáp với Thái Lan. Campuchia cũng không muốn bỏ lỡ cơ hội mở rộng kết nối với thị trường Trung Quốc.
Còn tại Việt Nam, ngày 18/2 vừa qua, ga Kép ở Bắc Giang đã được phép thí điểm khai thác liên vận quốc tế. Đây là một bước hiện thực hóa Quy hoạch mạng lưới đường sắt Việt Nam đến năm 2030, kết nối thông suốt tuyến đường sắt liên vận quốc tế.
Quy hoạch cũng yêu cầu khẩn trương khởi công một số tuyến đường sắt mới. Ưu tiên xây dựng một số tuyến đường sắt kết nối cảng cửa ngõ quốc tế đặc biệt khu vực Hải Phòng và Bà Rịa - Vũng Tàu, kết nối TP Hồ Chí Minh với Cần Thơ, kết nối quốc tế với Lào và Campuchia.
Như vậy mạng đường sắt Việt Nam sẽ được kết nối xuyên Á, kết nối Á - Âu thông qua đường sắt Trung Quốc tại các ga cửa khẩu Đồng Đăng (Lạng Sơn) và Lào Cai, kết nối với đường sắt ASEAN.
Thách thức phát triển đường sắt liên vận
Tầm nhìn là vậy, nhưng thực tế vẫn còn rất nhiều thách thức để phát triển vận tải đường sắt liên vận quốc tế. Đơn cử như việc mỗi nước có một khổ đường sắt riêng, làm sao để đồng bộ, kết nối được với nhau cũng là một bài toán không nhỏ.
Ga Kép dù mới được cho phép tạm thời khai thác liên vận quốc tế nhưng đã phát huy hiệu quả khi vừa giảm tải cho 2 ga Yên Viên và Đồng Đăng, vừa góp phần tăng lượng hàng hóa lưu thông lên 1,5 lần so với trước. Đây cũng là cơ sở để cơ quan quản lý tiếp tục cải tạo các khu ga liên vận quốc tế hiện có.
"Trong nguồn vốn trung hạn 2020 - 2025, Bộ Giao thông Vận tải sẽ bố trí một số ga, kỳ vọng khi hoàn thành đến năm 2025, năng lực liên vận quốc tế đạt 4 - 4,5 triệu tấn/năm", ông Vương Khả Sơn, Trưởng Ban Vận tải, Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam, cho hay.
4 - 4,5 triệu tấn mỗi năm là khối lượng vận chuyển cao gấp hơn 4 lần so với hiện nay. Tuy nhiên cũng mới chỉ đạt một nửa so với nhu cầu dự báo, nguyên nhân là do hạ tầng đường sắt còn nhiều hạn chế.
Vận tải đường sắt từ Việt Nam sang Trung Quốc hiện có 2 tuyến đường qua cửa khẩu Đồng Đăng và Lào Cai. Tuy nhiên, với khổ đường 1 m, tuyến đường sắt qua cửa khẩu Lào Cai có năng lực vận tải thấp. Năm 2015, Chính phủ Trung Quốc đã viện trợ không hoàn lại 10 triệu Nhân dân tệ để khảo sát, lập quy hoạch chi tiết tuyến đường sắt khổ tiêu chuẩn Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng.
7 năm trước, phía bạn cũng đã hoàn thiện đường chờ kết nối ở biên giới. Tuy nhiên dự án xây dựng tuyến đường sắt này vẫn chỉ dừng ở nghiên cứu.
"Vận tải hàng hóa bằng đường sắt để liên vận quốc tế trở thành một câu chuyện mang tính chất chiến lược của một nền kinh tế mở, nhưng chúng ta thời gian cũng chậm, chi phí vận tải lớn và lại bị ách tắc không có đường đi, không kết nối được nên đây là câu chuyện rất lớn về chiến lược phát triển. Nếu chúng ta không vượt qua được thách thức này thì chúng ta là người chậm chân", GS.TS. Lã Ngọc Khuê, Nguyên Thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải, đánh giá.
Đường sắt có ưu thế hơn đường biển về thời gian, ưu thế hơn hàng không về chi phí, vượt trội so với đường bộ về năng lực vận chuyển và giảm thiểu thời gian thông quan.
Một tuyến đường liên vận được đầu tư bài bản sẽ tăng sức cạnh tranh cho hàng hóa Việt Nam và tạo tiền đề cho kinh tế phát triển.
Vận tải đường sắt luôn được xem là giải pháp quan trọng để giảm giá thành hàng hóa xuất khẩu. Nếu được đầu tư và cải thiện, tới năm 2030, vận tải đường sắt nói chung và liên vận quốc tế nói riêng mới có thể đạt mục tiêu vận chuyển gần 12 triệu tấn hàng hóa mỗi năm.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!