Đường sắt Việt Nam: “Lạc hậu cả 100 năm”

Trung tâm Tin tức VTV24-Thứ sáu, ngày 08/06/2018 10:26 GMT+7

VTV.vn - Đánh giá tổng thể, theo chuyên gia, công nghệ đường sắt Việt Nam đã lạc hậu cả 100 năm, từ thế kỷ 19 - 20 để lại.

Hiện có hơn 1/4 số toa tàu chở khách và chở hàng của ngành đường sắt có tuổi thọ trên 40 năm. Trong khi từ đầu tháng 7, theo Luật Đường sắt, các toa tàu khách chỉ được có niên hạn tối đa 40 năm và toa tàu hàng có niên hạn tối đa 45 năm.

Thực trạng này phần nào được phản ánh qua con số 2% - tỷ lệ ngân sách của ngành giao thông trích ra dành cho đường sắt thời gian qua. Phương tiện lạc hậu, ít đầu tư mới - phần nào lý giải băn khoăn của không ít đại biểu Quốc hội trong kỳ họp vừa qua về sự thiếu quan tâm tới ngành đường sắt.

Tờ Tuổi trẻ sáng nay (8/6) có bài: "Hồi hộp với tàu quá đát". Theo tờ báo này, vào cuối năm 2017, thống kê của Cục Đăng kiểm Việt Nam cho thấy, khi tiến hành tổng rà soát, có tới 770 toa tàu và 53 đầu máy hết hạn sử dụng nhiều tháng nhưng chưa được đăng kiểm lại.

Đánh giá tổng thể, theo chuyên gia, công nghệ đường sắt Việt Nam đã lạc hậu cả 100 năm, từ thế kỷ 19 - 20 để lại, tổng số chiều dài cũng không tăng thêm. Có ý kiến khác cho rằng, tồn tại lớn nhất là việc sử dụng khổ đường sắt 1m gần cả trăm năm nay, rất ít quốc gia còn dùng, vừa chậm, lại vừa mất an toàn.

Trao đổi với báo Tuổi trẻ ngày 7/6, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Ngọc Đông phần nào lý giải thực trạng này: "Giá trị đầu tư 1km đường sắt gấp 3,5 - 4 lần so với đường bộ. Trong khi đó, cải tạo đường bộ thì có thể khai thác, vận hành ngay; còn với đường sắt, năng suất thụ hưởng từ đó không thể nhìn thấy ngay. Do đó, tính thuyết phục cho việc chi tiền đầu tư đường sắt không cao bằng đường bộ, nên ít nhận được sự ủng hộ".

Tuy nhiên, vị đại diện ngành giao thông chia sẻ, tới cuối năm nay sẽ hoàn thành nghiên cứu tiền khả thi dự án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam. Tuyến đường sắt này sẽ được làm mới hoàn toàn. Riêng tuyến cũ vẫn duy trì, sau này sẽ chuyển dần sang khai thác vận tải hàng hóa.

7.000 tỷ đồng là số tiền mà Bộ GTVT đang báo cáo xin Quốc hội thông qua thêm từ nguồn dự phòng trung hạn, bên cạnh 6.300 tỷ đồng đã có trong kế hoạch đầu tư trung hạn; qua đó nâng số vốn dành cho đường sắt lên hơn 13.000 tỷ đồng, chiếm 14% tổng vốn ngân sách dành cho giao thông.

Rõ ràng, tỷ lệ 14% là bước tiến dài so với con số 2% thời gian qua. Tuy nhiên, cũng có ý kiến của đại biểu Quốc hội trích dẫn trên tờ Diễn đàn doanh nghiệp sáng nay cho rằng nên tiến hành xã hội hóa một phần. Bởi theo ông, từ trước đến nay, chính sách để thu hút và tạo nguồn lực từ xã hội cho ngành đường sắt chưa có giải pháp cụ thể.

Dù bằng bất cứ cách nào, việc nâng cấp, đầu tư mới ngày càng trở thành đòi hỏi bức thiết của ngành đường sắt, không chỉ bởi thỏa mãn trải nghiệm của hành khách, mà trước tiên là vì sự an toàn.

Những nút thắt tồn tại của đường sắt Việt Nam Những nút thắt tồn tại của đường sắt Việt Nam

VTV.vn - Đường ray hết niên hạn, ga không đủ năng lực vận hành… là những điệp khúc khó khăn, nút thắt "dày vò” đường sắt hết năm này sang năm khác.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước