Trong kết luận của Thanh tra Chính phủ về những sai phạm trong việc quản lý, sử dụng vốn, tài sản tại Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam vừa công bố thời gian qua có nhận định: "Tổng công ty Đường sắt Việt Nam đã xem thường lợi ích của Nhà nước, của doanh nghiệp, lợi dụng thủ tục góp vốn và thực hiện việc góp vốn trái chủ trương để hợp thức hóa việc chuyển nhượng tài sản, cơ sở kinh doanh có giá trị lớn ra ngoài doanh nghiệp không qua đấu giá, đấu thầu".
Sau đây là một số sự việc được cho là điển hình của hình thức sai phạm nêu trên.
2 khu đất vàng giữa Thủ đô tại địa chỉ 80 Lý Thường Kiệt và 22 Phan Bội Châu đã được hợp thức hóa chuyển nhượng không qua đấu giá, đấu thầu. Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam tự quyết định giá trị vốn góp là 47 tỷ đồng trong khi thuê thẩm định giá có chứng thư xác định là 67,4 tỷ đồng. Bên cạnh đó, nhiều khoản mua sắm thiết bị với giá cao bất thường, gây thất thoát.
Hoạt động kinh doanh trì trệ, kém hiệu quả nhưng trong 3 năm (2010-2013) Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam tổ chức 188 đoàn đi nước ngoài với tổng số tiền lên đến gần 16 tỷ đồng, trong đó hàng chục đoàn đi nước ngoài không có văn bản mời hay hợp đồng học tập với đối tác mà đi ở dạng tour du lịch. Các khoản chi phí này sai quy định của Bộ Tài chính, sai chế độ tài chính về quản lý chi phí.
Thanh tra Chính phủ đã kiến nghị Thủ tướng giao Bộ Tài chính xem xét để xử lý các khoản tiền có tính sai phạm theo kết luận thanh tra với tổng số tiền 131 tỷ đồng.
Những sai phạm của Tổng Công ty Đường sắt và sự quản lý lỏng lẻo có thể chính là một trong những nguyên nhân quan trọng dẫn đến sự trì trệ của ngành đường sắt trong nhiều năm qua. Trong các lĩnh vực giao thông, có thể nói ngành đường sắt bởi cả nguyên nhân chủ quan và khách quan đã và đang là lĩnh vực yếu và kém sức cạnh tranh với doanh thu bị sụt giảm trong những năm gần đây.
Có thời di chuyển bằng tàu hỏa trở thành sự lựa chọn số 1 cho những chuyến đi xa bởi tính an toàn, giá thành rẻ. Tuy nhiên, theo thời gian, ưu thế đó của đường sắt bị thay thế bởi phương tiện giao thông khác.
Từ 2014 tới nay, sau tái cơ cấu, đường sắt đã có nhiều đổi thay từ bộ máy tổ chức, tới đầu tư đầu máy toa xe, cải tạo nhà ga đến việc áp dụng công nghệ thông tin vào quản lý lịch trình tàu, vé tàu điện tử, giảm giá cước. Tuy nhiên, khi đặt trong bối cảnh cạnh tranh bình đẳng với các loại hình vận tải khác, dù có nỗ lực đến mấy, đường sắt cũng khó có thể cạnh tranh nổi và chỉ vận chuyển được 5% lượng hành khách và khoảng 2% hàng hóa so với các loại hình vận tải khác.
Ngoài những yếu tố khách quan do hệ thống đường ray cũ, nhiều người cho rằng trì trệ và chậm thay đổi của ngành đường sắt xuất phát từ tư duy độc quyền.
Vẫn biết đầu tư vào ngành đường sắt là rất lớn, đòi hỏi nhiều thời gian nhưng giải pháp trước mắt của Bộ chủ quản là đường sắt phải thay đổi theo thị trường, cạnh tranh bình đẳng bằng nhiều giải pháp, khai thác hiệu quả nhất có thể với cơ sở hạ tầng hiện có trong lúc chờ các giải pháp thu hút đầu tư vào đường sắt. Với ngành đường sắt, sức ép cạnh tranh để duy trì và tồn tại trong thời điểm này là vô cùng lớn.
Để đường sắt phát triển, có nhiều đề xuất, trong đó có nhiều ý kiến cho rằng, Nhà nước nên quản lý mạng lưới đường sắt, hệ thống nhà ga như trong ngành hàng không, còn đầu máy, toa xe nên cho các loại hình doanh nghiệp khác đầu tư, kinh doanh. Bởi có lẽ, chỉ có cạnh tranh mới buộc các doanh nghiệp của Tổng Công ty Đường sắt chuyển động, đổi mới và nâng cao tính cạnh tranh.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam tại TV Online!