Sự chú ý của giới tài chính đang đổ dồn về cuộc họp của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) diễn ra vào ngày 1/2 và 2/2. Dự báo FED có thể đưa ra mức tăng lãi suất 0,25 điểm phần trăm sau cuộc họp này. Mức tăng được cho là sẽ chậm lại so với các đợt điều chỉnh lãi suất trước đây.
Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) cũng mới đưa ra dự báo cập nhật về tình hình kinh tế thế giới, trong đó điều chỉnh tăng nhẹ dự báo tăng trưởng cho năm 2023 và khẳng định nguy cơ suy thoái với kinh tế thế giới đang giảm đi.
Các thông tin mới này có tác động ra sao đến quan điểm điều hành của các ngân hàng trung ương lớn trên thế giới sắp tới, đặc biệt kể đến Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) với cuộc họp chính sách diễn ra ngày mai (2/2)?
Không phải đợi đến khi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) tăng lãi suất, Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) mới đưa ra quyết định của mình. Thực tế, kế hoạch tăng lãi suất của ECB đã được một thành viên Hội đồng Quản trị của ngân hàng này thông báo cách đây hơn 1 tuần. Theo đó, mức tăng lãi suất ECB đưa ra dự kiến là 50 điểm cơ bản trong cả tháng 2, tháng 3 và sẽ tiếp tục tăng lãi suất tháng 5, tháng 6.
Biểu tượng đồng Euro tại Frankfurt, Đức. (Ảnh: AP)
Đại diện của ECB cho biết, còn quá sớm để ngân hàng này quyết định có thể giảm tốc độ tăng lãi suất từ 50 xuống 25 điểm cơ bản vào mùa hè hay không khi những rủi ro xung quanh triển vọng lạm phát còn chưa cân bằng.
Giới chuyên gia tài chính châu Âu nhận định, khi lạm phát còn chưa thể kiểm soát, mức lãi suất cơ bản của ECB trong năm nay có thể lên đến 3,5%.
Việc tăng lãi suất không chỉ giúp các nước châu Âu kiềm chế lạm phát, mà còn giải tỏa áp lực cho các hộ gia đình có thu nhập thấp bởi lượng tiền trong lưu thông sẽ giảm. Lãi suất tăng sẽ khuyến khích người tiêu dùng tiết kiệm tiền mặt, thay vì chi tiêu vào hàng hóa hoặc dịch vụ có giá cao. Điều này dẫn đến nhu cầu giảm và giảm giá cho người tiêu dùng.
Lãi suất tăng cũng là tin vui cho những người có tiền tiết kiệm gửi ngân hàng, nhưng lại là mối lo của các nhà đầu tư, đặc biệt trong lĩnh vực bất động sản, thị trường cổ phiếu, trái phiếu và giá trị của các quỹ đầu tư có thể chìm trong sắc đỏ.
Đáng chú ý, các nhà đàm phán của Nghị viện châu Âu cảnh báo quyết định tăng lãi suất để chống lạm phát của ECB có thể cản trở đầu tư vào năng lượng xanh, gây nguy hiểm cho giải pháp lâu dài đối với cuộc khủng hoảng năng lượng và việc thực hiện các mục tiêu khí hậu của châu Âu, đồng thời kêu gọi ngân hàng cho phép các khoản đầu tư xanh được hưởng lợi từ lãi suất thấp hơn để tránh làm tăng chi phí vốn.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!