ECB trước sức ép phải giảm tiếp lãi suất cơ bản

Thường trú THVN tại châu Âu-Thứ hai, ngày 14/10/2024 11:02 GMT+7

VTV.vn - Lạm phát đồng Euro trong tháng trước đã chỉ còn 1,9%, thấp hơn cả mong đợi của Ngân hàng Trung ương châu Âu.

Ngân hàng Trung ương châu Âu đang đứng trước áp lực rất lớn phải nhanh chóng hạ lãi suất cơ bản và có thể sẽ quyết định ngay trong cuộc họp sẽ diễn ra từ thứ Năm tuần này. Nỗ lực chống lạm phát đã thành công, nhưng cái giá phải trả là kinh tế suy trầm, theo các nghiên cứu vừa được công bố.

Lạm phát đồng Euro trong tháng trước đã chỉ còn 1,9%, thấp hơn cả mong đợi của Ngân hàng Trung ương châu Âu.

Tờ El Economista ra tại Tây Ban Nha hôm thứ Tư tuần trước có bài viết, cho rằng "Ngân hàng Trung ương châu Âu có thể phải tăng tốc cắt giảm lãi suất cơ bản, còn Cục Dự trữ liên bang Mỹ thì ngược lại, sẽ phải phanh bớt tốc độ cắt giảm". "Hai ngân hàng Trung ương có cùng mục tiêu, là đảm bảo lạm phát ổn định ở mức 2%. Tuy nhiên, dữ liệu lúc này lại theo những hướng khác nhau". Theo bài báo, "Thống đốc Ngân hàng Pháp quốc cũng đã cảnh báo rằng, Ngân hàng Trung ương châu Âu đã thắt chặt tiền tệ thái quá và giờ đây phải sửa sai bằng cách cắt giảm lãi suất mạnh hơn dự kiến".

ECB trước sức ép phải giảm tiếp lãi suất cơ bản - Ảnh 1.

Lạm phát đã suy giảm về mức mục tiêu tại hầu hết các nước châu Âu

Lãi suất cơ bản quá cao trong thời gian quá lâu đã kìm hãm kinh tế các nước sử dụng đồng tiền chung Euro. Tờ Libero ra tại Italy giữa tuần trước thậm chí còn khẳng định, "hành động chậm chạp của Ngân hàng Trung ương châu Âu đã khiến cho Italy mất hai điểm tăng trưởng tổng sản phẩm nội địa". Một phân tích do Ngân hàng Trung ương Italy cho thấy, "việc thắt chặt tiền tệ đã làm giảm tăng trưởng tổng sản phẩm quốc nội của nước này khoảng 1% vào năm 2022, giảm từ 3,5% đến 5% vào năm 2023 và mất khoảng 2% vào năm 2024". Nhìn lại hai năm chống lạm phát, Ngân hàng Trung ương Italy kết luận, "chính sách tăng lãi suất cơ bản trong khoảng từ tháng 7/2022 đến tháng 9/2023 đã có tác động thực sự, làm giảm lạm phát, nhưng đồng thời cũng làm giảm tăng trưởng". Bây giờ, khi chống lạm phát đã thành công, việc cấp thiết phải làm là giảm nhanh lãi suất nhằm phục hồi tăng trưởng.

Lạm phát đã suy giảm về mức mục tiêu tại hầu hết các nước châu Âu, kể cả tại những nước không tiêu đồng Euro. Tờ Thời báo Thuỵ Sĩ cho biết "hôm 26/9 vừa rồi, Ngân hàng Trung ương nước này đã đưa lãi suất cơ bản về mức 1%, đồng thời thông báo rõ ràng, là sẽ còn giảm tiếp nếu cần, trong những quý tới". "Thuỵ Sĩ đã hạ dự báo lạm phát đồng franc, cho rằng lạm phát sẽ chỉ khoảng 0,6% trong năm sau và 0,7% vào năm sau nữa".

Còn tại Thuỵ Điển, nơi vẫn tiêu đồng krona, "lạm phát trong tháng 9 đã xuống mức thấp nhất kể từ năm 2020", 1,1%. "Riksbank Thuỵ Điển cũng sẽ phải tiếp tục hạ lãi suất trong tháng 12 và sau đó tiếp tục giảm nhanh xuống 2% vào năm 2025". Mục tiêu lúc này là hỗ trợ doanh nghiệp vay vốn với giá rẻ hơn, thúc đẩy tăng trưởng đang ở mức rất thấp, sau ngần ấy năm thắt chặt tiền tệ.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước