Lý do chủ yếu vẫn là do giá năng lượng tăng vọt. Lạm phát đã vượt quá 10% tại gần một nửa số quốc gia trong khối Eurozone.
Kể từ khi có đồng Euro, chưa khi nào đồng tiền chung lại mất giá như lúc này. Giá năng lượng tăng vọt đã kéo lạm phát lên mức kỷ lục chưa từng thấy đối với đồng Euro, so với tầm này năm 2021 tăng tới 8,6%. Chi phí đầu vào đang là gánh nặng cho sản xuất công nghiệp, đặc biệt là những ngành thâm dụng năng lượng, như hóa chất, ciment, sắt thép.
"Chúng tôi rất lo lắng. Giá khí đốt đã tăng quá mạnh trong 12 tháng qua. Không có giải pháp nào khác, nếu có thì chỉ là ngừng sản xuất, vậy thôi. Bây giờ thì không thể di chuyển nhà máy được nữa", ông Daniel Jeschonowski, Giám đốc nhà máy sứ Kahla, Đức, bày tỏ.
Người châu Âu cảm nhận hàng ngày sức nóng của lạm phát. (Ảnh minh họa - Ảnh: Reuters)
Sản xuất nông nghiệp châu Âu cũng lệ thuộc trực tiếp rất nhiều vào năng lượng. Các nhà kính trồng rau quả cần nhiệt lượng, chủ yếu từ khí đốt, mà châu Âu phải nhập khẩu.
"95% cà chua trồng ở Pháp là trong nhà kính. Với chi phí đầu vào cứ như hiện nay, thì rồi sẽ tới lúc không còn cà chua Pháp nữa. Bây giờ cà chua Pháp đảm bảo 1/2 nhu cầu thị trường, nhưng có thể sẽ chỉ còn được 1/10", ông Christophe Rousse, Chủ tịch Hội nông dân vùng Breton, Pháp, cho biết.
Người châu Âu cảm nhận hàng ngày sức nóng của lạm phát, mỗi khi đi ra chợ, vào siêu thị… Mọi thứ đều tăng giá, với mức độ khác nhau. Tính trung bình, giá cả lương thực thực phẩm đã tăng 7,5% so với tháng 7/2021, còn xa mới bằng giá xăng dầu, đã tăng gần 1,5 lần.
"Mọi thứ thuộc về tiêu dùng đều tăng giá khủng khiếp. Trước đây, mỗi lần mua xăng, tôi đổ đầy bình. Hôm nay chỉ dám đổ 16 lít. Tôi cũng phải giảm đi ô tô riêng, chuyển sang đi xe đạp hoặc giao thông công cộng. Mọi thứ đều rất đắt đỏ", ông Salhi Khalid, người Bỉ, chia sẻ.
Lạm phát quá cao làm khiến việc điều hành tiền tệ trở nên phức tạp. Ngân hàng Trung ương châu Âu đang chuẩn bị tăng lãi suất cơ bản nhằm kiềm chế lạm phát. Tuy nhiên tăng lãi suất và siết tiền tệ cũng có nghĩa là thêm khó cho doanh nghiệp.
Tìm điểm cân bằng nhằm duy trì tăng trưởng đồng thời kiểm soát lạm phát đang là bài toán nan giải đối với Ngân hàng Trung ương châu Âu, cũng như đối với mỗi quốc gia trong khối các nước sử dụng đồng tiền chung Euro.
Lạm phát tại châu Âu lập kỷ lục mới VTV.vn - Diễn biến phức tạp của tình hình chiến sự tại Ukraine đang đẩy giá cả hàng hóa và chỉ số lạm phát tăng mạnh nhất trong 40 năm qua ở các nước thành viên Liên minh châu Âu.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!