Các quốc gia có tên trong danh sách có thể sẽ phải đối mặt với các biện pháp trừng phạt của Liên minh châu Âu. Tuy nhiên, báo chí châu Âu lại cho rằng bản danh sách này thiếu thuyết phục.
Tờ El Periódico Aragón tại Tây Ban Nha có bài "Liên minh châu Âu thông qua danh sách đen 17 thiên đường thuế". Đó là 17 quốc gia và vùng lãnh thổ không chịu hợp tác với Liên minh châu Âu, không chịu chia sẻ thông tin về những công ty châu Âu và công dân châu Âu phải đóng thuế tại châu Âu nhưng đang chuyển tiền đi qua các công ty bình phong ở các quốc gia và vùng lãnh thổ khác để trốn thuế. Theo tờ báo Tây Ban Nha cách trốn thuế này làm cho các nước châu Âu mỗi năm thất thu từ 50 - 70 tỷ Euro tiền thuế.
17 quốc gia và vùng lãnh thổ trong "danh sách đen" - một con số quá nhỏ so với những phát giác gần đây từ các hồ sơ LuxLeaks, Panama Papers và mới đây nhất là Paradise Papers. Tờ Tấm gương hàng ngày của Đức có bài "Danh sách đen còn quá nhiều khoảng trắng". Bài báo viết "Ban đầu các Bộ trưởng Bộ Tài chính châu Âu đã nhằm tới 92 nước" nhưng cuối cùng kết luận là chỉ có 17 "thiên đường thuế", trong đó có cả Mông Cổ, Hàn Quốc và Ma Cao nhưng không có nước nào của Liên minh châu Âu.
Chính vì không có nước châu Âu nào trong "danh sách đen" cho nên nhiều tờ báo đã bình luận rằng danh sách đó thà không có, còn hơn là có mà không đầy đủ. Tờ Libération của Pháp viết "28 nước châu Âu cố tình nhắm mắt trước 5 nước thành viên" cũng đang tiếp tay cho hành vi chuyển giá trốn thuế, gây thiệt hại cho các nước thành viên khác.
Bài báo cho biết "Tổ chức Oxfam tuần trước đã đưa ra danh sách 35 nước hiện không đáp ứng được các tiêu chuẩn châu Âu, trong đó 5 nước châu Âu là Malta, Luxembourg, Hà lan, Anh và Irlande".
Nhiều tờ báo châu Âu khác cũng thất vọng trước danh sách nửa vời này. Tờ Le Soir của Bỉ cho rằng đó chỉ là "một thỏa thuận mờ nhạt rồi sẽ chỉ mang lại những kết quả mơ hồ". Không thể chống lại nạn trốn thuế với một danh sách mỏng và thiếu thuyết phục như thế. Thêm nữa, theo bài báo, chính "ông Phó Chủ tịch Ủy ban châu Âu cũng lấy làm tiếc vì các biện pháp trừng phạt gắn với danh sách này không thể mạnh hơn".
Thực chất là Ủy ban châu Âu chưa nghĩ ra sẽ trừng phạt các nước trong danh sách đó như thế nào. Nặng lời nhất có lẽ là tờ Il Fatto Quotidiano của Italy. Trong bài "Liên minh châu Âu và danh sách rởm các thiên đường thuế", tờ báo bình luận thật là "quá mâu thuẫn với đường hướng cứng rắn và kiên quyết trong các tuyên bố của chính Ủy ban châu Âu".
Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!