EU đồng thuận về tài chính khí hậu trước thềm COP29

PV-Thứ năm, ngày 10/10/2024 15:39 GMT+7

VTV.vn - Năm 2023 là năm nóng nhất từng được ghi nhận với nhiệt độ trung bình toàn cầu cao hơn 1,45°C so với thời kỳ tiền công nghiệp.

Chỉ còn hơn một tháng nữa là đến Hội nghị lần thứ 29 các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP29) tại Baku, Azerbaijan, các Chính phủ châu Âu đã tái khẳng định cam kết đóng góp vào khoản hỗ trợ lên tới 100 tỷ USD hàng năm dành cho các nước đang phát triển để ứng phó với tình trạng biến đổi khí hậu.

Tại cuộc họp ngày 8/10 của Hội đồng Liên minh châu Âu (EU) ở Luxembourg, các Bộ trưởng Tài chính EU đã bày tỏ quan ngại về việc năm 2023 là năm nóng nhất từng được ghi nhận với nhiệt độ trung bình toàn cầu cao hơn 1,45°C so với thời kỳ tiền công nghiệp. Nhiệt độ đại dương, mực nước biển dâng cao và hiện tượng băng tan cũng đạt mức kỷ lục. COP29 dự kiến sẽ diễn ra các cuộc tranh luận sôi nổi về mục tiêu tài chính khí hậu mới sau năm 2025. Một số bên tham gia Hiệp định Paris, bao gồm cả EU, đã kêu gọi nhiều quốc gia khác đóng góp nhiều hơn, đặc biệt là Trung Quốc.

Các bộ trưởng phụ trách môi trường và khí hậu của EU dự kiến sẽ thông qua lập trường chung của EU cho COP29 tại cuộc họp vào ngày 14/10. COP29 dự kiến khai mạc vào ngày 11/11 tại Baku.

Theo Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu, các nước phát triển - bao gồm các quốc gia thành viên EU, Australia, Canada, Nhật Bản, New Zealand, Na Uy, Thụy Sỹ, Thổ Nhĩ Kỳ, Anh và Mỹ - được kỳ vọng sẽ tăng cường hỗ trợ tài chính cho các nước đang phát triển lên 100 tỷ USD mỗi năm vào năm 2020. Mục tiêu này chỉ đạt được vào năm 2022 với tổng số tiền đạt 116 tỷ USD, trong đó khoảng 1/4 đến từ ngân sách EU, Quỹ Phát triển châu Âu và Ngân hàng Đầu tư châu Âu.

Sau cam kết của EU, tổ chức môi trường Greenpeace đã chỉ trích các chính phủ châu Âu vì chưa nhận thức đầy đủ về trách nhiệm của ngành công nghiệp nhiên liệu hóa thạch đối với cuộc khủng hoảng khí hậu. Greenpeace cũng dẫn ước tính của Mạng lưới Hành động Khí hậu Toàn cầu rằng các nước đang phát triển cần khoảng 1.000 tỷ USD tài trợ mỗi năm từ các nước giàu hơn để ứng phó với biến đổi khí hậu. Tổ chức này kêu gọi các nhà đàm phán của EU thúc đẩy tăng cường tài chính và đánh thuế các nguồn gây ô nhiễm lớn tại COP29.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước