Tờ Les Echos tại Pháp trong bài báo có tiêu đề "Kiểm soát đầu tư nước ngoài: châu Âu tăng tốc" có đoạn khen, đây là một bước đi khiêm tốn nhưng là một hành động có ý nghĩa trên bình diện chính trị; châu Âu tìm lại thời gian đã mất trong một lĩnh vực mà các cường quốc khác đã cảnh giác từ lâu.
Quy định mới có hiệu lực từ năm 2020, tạo ra một cơ chế cảnh báo kịp thời ý định đầu tư vào những ngành chiến lược mà châu Âu đang giữ lợi thế hoặc sẽ tạo lợi thế trong tương lai. Bài báo nhấn mạnh, yếu tố Trung Quốc đã là chất xúc tác đẩy nhanh quá trình thảo luận hình thành quy định.
Yếu tố Trung quốc được tất cả các bài báo nêu ra khi viết về cuộc biểu quyết tại Nghị viện châu Âu tuần trước. Ví dụ như bài trên tờ Hospodářské Noviny ra tại Cộng hoà Czech, với tiêu đề "Các nước châu Âu có thể cấm các khoản đầu tư đáng ngờ như là từ Trung quốc".
Hay tờ Jyllands-Posten tại Đan Mạch dùng hình ảnh doanh nghiệp Trung Quốc để minh hoạ. Theo bài báo, quy định mới buộc một nước thành viên Liên minh châu Âu phải thông báo cho các nước khác trước khi nhận đầu tư nước ngoài vào lĩnh vực mạng máy tính và các ngành công nghiệp mũi nhọn như xử lý nước, vận tải, viễn thông, vũ khí, công nghệ cao và trí tuệ nhân tạo. Nếu Ủy ban châu Âu hoặc 1/3 tổng số các nước thành viên Liên minh châu Âu tỏ ý nghi ngại, nước sắp nhận đầu tư phải giải trình, tuy nhiên, quyết định cuối cùng vẫn thuộc về nước nhận đầu tư.
Theo bài báo, lo ngại chủ yếu là từ các vụ doanh nghiệp Trung Quốc đầu tư vào châu Âu mà doanh nghiệp đó lại có mối quan hệ khăng khít với chính phủ Trung Quốc, ví dụ như trường hợp của hãng viễn thông Huawei.
Quan chức cao cấp của châu Âu cũng phát biểu thẳng thắn, như tờ El País của Tây Ban Nha có viết: "Bà Cao ủy Thương mại châu Âu khẳng định, quy định mới là hoàn toàn trung tính và không có tính chất phân biệt đối xử, mặc dù bà cũng thừa nhận là có tồn tại vấn đề liên quan tới Trung Quốc. Theo bài báo, Pháp và Đức đặc biệt lo ngại đầu tư từ Trung Quốc làm thất thoát công nghệ mũi nhọn của châu Âu hoặc các công ty Trung Quốc có vốn Nhà nước nắm giữ được hạ tầng then chốt có thể gây nguy hại cho an ninh hay trật tự của châu Âu.
Tờ La Tribune Hebdomadaire của Pháp phỏng vấn Bộ trưởng Bộ Kinh tế Tài chính Pháp, ông này nói với tờ báo rằng "Cuối cùng, châu Âu cũng đã hiểu ra rằng phải bảo vệ các công nghệ mà phải mất hàng chục năm nghiên cứu, hàng tỷ EUR đầu tư và nhiều chất xám thì mới có được".
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!