EVFTA có hiệu lực, tôm Việt vào EU tăng trưởng hai con số

Thùy Linh (t/h)-Thứ tư, ngày 09/09/2020 11:45 GMT+7

Ảnh minh họa - Dân trí

VTV.vn - Sau khi EVFTA chính thức có hiệu lực, nửa đầu tháng 8, xuất khẩu tôm vào EU đạt 29,4 triệu USD, tăng 26% so với cùng kỳ năm 2019.

Hiệp hội chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) dự báo cả tháng 8 có thể đạt mức tăng đến 20% so với cùng kỳ.

Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) cho biết, ngay khi EVFTA có hiệu lực, tôm sú đông lạnh của Việt Nam được hưởng mức thuế 0%. Còn tôm chân trắng đông lạnh sẽ giảm dần về 0% sau 5 năm. Đây là lợi thế cạnh tranh rất tốt so với các đối thủ như: Thái Lan, Ấn Độ, Indonesia và Ecuador.

Theo dự báo của VASEP, xuất khẩu tôm Việt Nam sang EU từ nay đến cuối năm dự kiến sẽ tiếp tục tăng, mặc dù tốc độ tăng chưa cao do chịu tác động từ dịch bệnh COVID-19. Tuy nhiên, nhờ lợi thế về thuế của tôm Việt Nam tốt hơn so với các đối thủ cạnh tranh nên các nhà nhập khẩu của EU sẽ quan tâm hơn đến nguồn cung từ Việt Nam.

EVFTA có hiệu lực, tôm Việt vào EU tăng trưởng hai con số - Ảnh 1.

EVFTA có hiệu lực, tôm Việt vào EU tăng trưởng hai con số. Ảnh minh họa - Dân trí

Cần đón đầu ưu đãi EVFTA mang lại

Do tác động của dịch COVID-19 tại thị trường châu Âu nên nhu cầu sử dụng tôm tại các nhà hàng, khách sạn sẽ giảm mạnh. Tuy nhiên, nhu cầu tôm tại các hệ thống bán lẻ sẽ tăng do người dân mua về chế biến tại nhà. Chính vì vậy, tiêu thụ các sản phẩm tôm tươi sẽ ít hơn, trong khi các sản phẩm đông lạnh, đóng gói ăn liền và các sản phẩm tương tự sẽ tăng.

Những năm gần đây người tiêu dùng châu Âu ngày càng chủ động quan tâm đến sản phẩm bền vững. Khi dịch COVID-19 xảy ra, xu hướng này lại càng rõ nét. Người châu Âu ưu tiên sản phẩm được chứng nhận, đảm bảo không chỉ tính bền vững mà còn phải truy xuất được nguồn gốc, lành mạnh, được sản xuất an toàn và vệ sinh.

EVFTA có hiệu lực, tôm Việt vào EU tăng trưởng hai con số - Ảnh 2.

Xuất khẩu tôm Việt Nam sang EU từ nay đến cuối năm dự kiến sẽ tiếp tục tăng. Ảnh minh họa - Dân trí.

Hầu hết hệ thống phân phối sản phẩm tôm cao cấp tại EU đều yêu cầu ASC nhưng hiện diện tích nuôi tôm đạt chứng nhận này ở Việt Nam mới đạt khoảng 6%/tổng diện tích nuôi.

Nguyên nhân là do tôm nuôi của ta đa phần nhỏ lẻ, các hộ nuôi không kham nổi chi phí chứng nhận, chỉ có trang trại nuôi lớn mới đáp ứng được. Do đó, để đón đầu được cái ưu đãi mà EVFTA mang lại, Nhà nước cần có những biện pháp khuyến khích, ưu tiên nhằm đẩy mạnh diện tích nuôi tôm đạt tiêu chuẩn này.

Chứng nhận ASC (Aquaculture Stewardship Council - Hội đồng quản lý nuôi trồng thủy sản) là tiêu chuẩn quốc tế nghiêm ngặt nhất áp dụng cho nuôi trồng thủy sản, là bộ tiêu chuẩn dựa trên 4 nền tảng chính là môi trường, xã hội, an sinh động vật và an toàn thực phẩm.

EU hiện là thị trường tiêu thụ tôm lớn thứ 4 của Việt Nam, sau Mỹ, Nhật Bản và Trung Quốc. EU chiếm đến 13,3% tổng giá trị của xuất khẩu tôm Việt Nam, theo thống kê của VASEP.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước