Hệ thống điện mặt trời áp mái tại Hà Nội. (Ảnh: Dân trí)
Trong thời gian qua, việc lắp đặt điện mặt trời áp mái luôn được khuyến khích phát triển. EVN cũng đã mua lại theo quy định, giúp hỗ trợ phần nào về đảm bảo cung cầu năng lượng. Tuy nhiên, những vướng mắc về cơ chế chính sách khiến loại hình này chưa được nhân rộng tại các hộ dân.
Các chuyên gia cho rằng, việc khai thác để đạt được khoảng 5.000 - 6.000 MW điện mặt trời mái nhà theo quy mô hộ gia đình là hoàn toàn có thể đạt được. Thế nhưng, nhà đầu tư vẫn chưa thực sự sẵn sàng, bởi chính sách hỗ trợ quá ngắn, cách thức chi trả cho việc bán điện vẫn còn chậm, chưa có hướng dẫn tiêu chuẩn, kỹ thuật an toàn, cần tháo gỡ chính sách, tài chính...
Theo Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), đến ngày 23/8, cả nước có gần 45.300 dự án điện mặt trời áp mái đã đi vào vận hành. Tuy nhiên, việc tuyên truyền về phát triển điện áp mái còn hạn chế. Nhiều khách hàng còn e ngại trong đầu tư do thiếu thông tin về chất lượng sản phẩm, đơn vị thi công lắp đặt, vận hành, bảo hành thiết bị.
Hệ thống điện mặt trời áp mái tại Công ty Điện lực Nam Từ Liêm. (Ảnh: Dân trí)
Được biết, chi phí thiết bị và lắp đặt điện mặt trời mái nhà vẫn còn cao, chưa có tiêu chuẩn kỹ thuật quốc gia đối với các thiết bị. Hiện cũng chưa có quy định về việc xin giấy phép xây dựng, về tải trọng kết cấu mái khi lắp đặt. Nhà đầu tư phát triển dự án chỉ tập trung tại một khu vực, dẫn tới khả năng đấu nối và giải tỏa công suất hệ thống bị hạn chế.
EVN kiến nghị Chính phủ khuyến khích các cơ quan, đơn vị, tổ chức trực thuộc lắp đặt hệ thống, có cơ chế, gói hỗ trợ chi phí đầu tư ban đầu… từ đó mới có khả năng nhân rộng điện mặt trời áp mái, đặc biệt là đối với đối tượng các hộ gia đình có thu nhập thấp.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!