Ngay sau khi Facebook chặn mọi nội dung tin tức liên quan đến Australia và không cho người dùng tại Australia chia sẻ hay đọc tin tức trong nước lẫn quốc tế, Thủ tướng Australia Scott Morrison đã lên tiếng khẳng định các nhà lãnh đạo của nhiều nước bao gồm Anh, Canada, Pháp và Ấn Độ đều bày tỏ sự ủng hộ đối với Australia.
Thủ tướng Australia Scott Morrison nói: "Tôi đã có cuộc trao đổi với Thủ tướng Canada Trudeau và tôi biết, Thủ tướng Anh Boris Johnsson cũng rất quan tâm. Tôi cũng đã thảo luận rất nhiều với Tổng thống Pháp về những điều này. Đó là lý do vì sao chúng tôi mời Google, Facebook tham gia thương lượng một cách xây dựng bởi những gì Australia làm ở đây nhiều khả năng sẽ được áp dụng bởi các nước khác".
Trên thực tế, Bộ trưởng Bộ Di sản Canada Steven Guilbeault đã khẳng định, nước này sẽ triển khai theo cách mà Australia đang làm trong thời gian tới. Vị bộ trưởng này chia sẻ trên Twitter cá nhân rằng "Canada sẽ tiếp tục nỗ lực để đưa ra những quy định luật pháp công bằng, giữa các phương tiện thông tin đại chúng và các nền tảng công nghệ khổng lồ".
Còn tại Anh, người đứng đầu Ủy ban Truyền thông và kỹ thuật số của Quốc hội cũng đưa ra những chỉ trích mang tính cảnh báo đối với động thái của Facebook.
Ông Julian Knight, Chủ tịch Ủy ban Truyền thông và Kỹ thuật số tại Quốc hội Anh phát biểu: "Tôi nghĩ, hành động mang tính bắt nạt mà Facebook đã thực hiện tại Australia sẽ khơi dậy mong muốn tiến xa hơn của các nhà lập pháp trên toàn thế giới".
Hiện các hiệp hội truyền thông tại nhiều nước châu Âu như Anh, Đức đều đã lên tiếng kêu gọi các cơ quan quản lý cần phối hợp trên phạm vi toàn cầu để tạo ra một "sân chơi thực sự bình đẳng giữa những tập đoàn công nghệ và các nhà xuất bản tin tức.
Tuy nhiên, việc tạo ra một sân chơi bình đẳng lại là chuyện không hề đơn giản, ngay cả với Liên minh châu Âu (EU) - một trong những khu vực luôn đi đầu trong việc xử lý vấn đề phí bản quyền tin tức. PV Bản tin Tài chính kinh doanh đã kết nối với phóng viên Lê Hồng Quang, thường trú ĐTHVN tại châu Âu.
Thưa anh Lê Hồng Quang, Liên minh châu Âu đã có những bước đi như thế nào để giải quyết vấn đề phí bản quyền tin tức, vốn gây nhiều tranh cãi giữa các hãng truyền thông và các tập đoàn công nghệ?
Phóng viên Lê Hồng Quang: Cách đây 2 năm, Nghị viện châu Âu đã thông qua cải cách bản quyền, buộc các nền tảng số hoá phải chia sẻ một phần lợi nhuận cho tác giả.
Sau đó 2 tháng, Pháp đã là nước đầu tiên sửa đổi luật, dựa trên cải cách này. Các tập đoàn công nghệ lớn tới một mức độ nhất định phải trả thuế, căn cứ trên tổng doanh số chứ không phải là tổng lợi nhuận, một phần thuế thu được sẽ được chuyển cho các tác giả thông qua một cơ chế đại diện. Một chi tiết cần lưu ý là luật ở châu Âu quy định, tác giả không thể đòi tiền bản quyền nếu như các trang kia chỉ đưa đường dẫn đến bài báo hoặc chỉ trích đăng một câu ngắn trong bài báo. Chi tiết này làm cho câu chuyện ở châu Âu hơi khác so với ở Australia.
Vụ việc vừa qua giữa Australia và Facebook sẽ có tác động như thế nào đến tiến trình này tại châu Âu, thưa anh?
Phóng viên Lê Hồng Quang: Cách tiếp cận vấn đề ở châu Âu là các nền tảng số hoá vẫn được phép đưa đường dẫn đến bài báo hoặc trích đăng một câu ngắn trong bài báo nhưng không được phép tóm tắt quá dài hay trích dẫn quá dài, tới mức người xem khỏi cần xem bài báo gốc cũng hiểu được nội dung câu chuyện.
Câu chuyện lúc này tại Australia được báo chí châu Âu rất quan tâm, nhưng không bình luận nhiều về việc sự kiện ấy tác động ra sao tới cách làm ở châu Âu. Theo một số ý kiến mà báo chí châu Âu trích đăng, thì cách làm của châu Âu tất nhiên là cũng chưa hoàn hảo, cần phải có một nỗ lực chung trên bình diện toàn thế giới thì mới có thể phần nào lập lại công bằng trong quan hệ giữa các nền tảng số hoá và các hãng truyền thông.
Những tranh cãi tại Australia hay thái độ thận trọng của châu Âu cho thấy, việc tìm ra lời giải cho bài toán phí bản quyền tin tức là không hề đơn giản.
Mới đây, một nền tảng công nghệ lớn là Google đã đạt thỏa thuận trả 76 triệu USD trong 3 năm cho Hiệp hội gồm 121 nhà xuất bản tại Pháp. Thế nhưng, động thái này ngay lập tức bị nhiều nhà xuất bản khác chỉ trích là không công bằng, không thỏa đáng. Do đó, một nỗ lực chung trên toàn cầu sẽ là cần thiết để các bên sớm tìm ra tiếng nói chung, và tạo ra một sân chơi công bằng.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!