Hình minh họa.
Trong báo cáo mới đây, FAO cho biết lũ lụt, hạn hán, côn trùng phá hoại, bão, dịch bệnh và xung đột đã gây thiệt hại khoảng 123 tỷ USD mỗi năm về sản lượng lương thực trong khoảng thời gian từ năm 1991-2021, tương đương 5% tổng sản lượng lương thực hoặc lượng lương thực đủ để nuôi sống 500 triệu người mỗi năm. Đây là lần đầu tiên FAO đưa ra ước tính như trên, nhằm làm nổi bật mức thiệt hại do các thảm họa gây ra ở mức độ toàn cầu và đối với cá nhân.
Ông Piero Conforti, một quan chức của FAO, nêu rõ một thực tế rõ ràng là các thảm họa đã tăng gấp bốn lần kể từ những năm 1970, và tác động ngày càng lớn đến sản xuất lương thực. Theo số liệu của FAO, các thảm họa đang gia tăng cả về cường độ và tần suất, từ 100 thảm họa mỗi năm trong những năm 1970 lên khoảng 400 thảm họa mỗi năm trong 20 năm qua.
FAO cho rằng lĩnh vực nông nghiệp trên toàn thế giới ngày càng có nguy cơ bị gián đoạn do nhiều mối đe dọa như lũ lụt, thiếu nước, hạn hán, sản lượng nông nghiệp và tài nguyên cá sụt giảm, tình trạng mất đa dạng sinh học và suy thoái môi trường. Báo cáo của FAO xác định các yếu tố mang tính hệ thống gây ra nguy cơ thảm họa là biến đổi khí hậu, đại dịch, dịch bệnh và xung đột vũ trang.
Thiệt hại sản lượng ngũ cốc trung bình hàng năm ở mức 69 triệu tấn, tương đương sản lượng hàng năm của Pháp. Thiệt hại với sản lượng rau quả là khoảng 40 triệu tấn và thiệt hại với sản lượng thịt, cá, trứng là khoảng 16 triệu tấn.
FAO cho biết các quốc gia nghèo hơn phải chịu thiệt hại nhiều nhất tính theo tỷ lệ phần trăm trên sản lượng nông nghiệp do các hiện tượng thời tiết cực đoan, lên tới 10%. Châu Á là khu vực bị ảnh hưởng nặng nề nhất, khi chiếm đến 45% tổng thiệt hại nông nghiệp là do thiên tai và thảm họa, với mức thiệt hại tương đương 4% sản lượng nông nghiệp. Sản lượng cây trồng tại các quốc gia vùng Sừng châu Phi giảm trung bình 15% do phải thường xuyên chịu ảnh hưởng của hạn hán.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!