Vốn FDI của Mỹ đăng ký tại Việt Nam hiện là 11 tỷ USD, trong khi Mỹ đang đầu tư 4.000 tỷ USD ra nước ngoài. Tương tự, 27 nước châu Âu đầu tư tại Việt Nam cũng mới được 26 tỷ USD, trong đó Nhật Bản là 56 tỷ USD, Hàn Quốc là 65 tỷ USD. Sự chênh lệch này được nhắc tới như một nghịch lý trong thu hút đầu tư tại Việt Nam.
Tại sao lại có nghịch lý này khi Việt Nam chưa thu hút được dòng vốn Âu, Mỹ? Dọn tổ để đón "đại bàng" đòi hỏi phải có sự chủ động. Không chỉ chủ động trong tốc độ, mà còn chủ động trong chọn lựa các dòng vốn nữa.
Mới đây trang tin Cafef đã có cuộc phỏng vấn với GS Nguyễn Mại, Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp đầu tư nước ngoài (VAFIE) phần nào lý giải nghịch lý nêu trên. Theo ông, nguyên nhân là vì Việt Nam chưa thoả mãn yêu cầu của những nhà đầu tư này. Việt Nam vẫn chỉ phù hợp với dòng vốn đến từ châu Á bởi có sự tương thích về văn hoá mà rõ nhất là tư duy quan hệ. Cách thức làm ăn của doanh nghiệp châu Âu và Mỹ lại đòi hỏi sự rõ ràng, công khai, minh bạch, thể chế thực thi nghiêm minh. Họ cũng có những đòi hỏi cao về các vấn đề như an toàn lao động, bảo vệ môi trường, hay sở hữu trí tuệ…
Việt Nam chưa thu hút được dòng vốn Âu, Mỹ. Ảnh minh họa.
Rào cản thu hút dòng vốn FDI từ Âu, Mỹ
Đại diện Phòng Thương mại và Công nghiệp Đức chia sẻ hiện nay khá nhiều nhà đầu tư Đức quan tâm về thị trường Việt Nam - đặc biệt là với cú hích từ EVFTA. Tuy nhiên, các nhà đầu tư đang ở mức thăm dò bởi để có quyết định đầu tư dài hạn phụ thuộc nhiều vào khả năng cung cấp của ngành công nghiệp hỗ trợ tại Việt Nam. Bên cạnh đó, điều kiện đủ còn liên quan đến cung ứng lao động.
Ông Walde Marko - Giám đốc Phòng Thương mại và Công nghiệp Đức tại Việt Nam nói: "Tôi nghĩ rằng việc thu hút nhà đầu tư không phải là chuyện họ ở đây một vài năm sau đó chuyển nhà máy đi vì hết lợi thế về lao động. Các doanh nghiệp Đức muốn sự đầu tư dài hạn với trình độ lao động tay nghề cao để vận hành máy móc hiện đại. Lao động có kỹ năng cũng là một yếu tố các nhà đầu tư Đức quan tâm".
Nhìn nhận về những vướng mắc trong môi trường kinh doanh, đại diện Eurocham cho hay, nhiều hàng rào còn đang quá cao với nhà đầu tư EU khi tiếp cận thị trường Việt Nam như: Còn hơn 200 ngành kinh doanh có điều kiện hay giới hạn lớn về tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài.
"Quy định kiểm tra nhu cầu kinh tế đang không công bằng với doanh nghiệp phân phối bán lẻ muốn vào Việt Nam. Còn quy trình thông báo kiểm soát sáp nhập là một quy trình rườm rà, mất thời gian và làm chậm đáng kể tiến độ thực hiện giao dịch M&A", ông Antoine Logeay, Tiểu ban Pháp luật, Eurocham cho hay.
Đang tồn tại nhiều rào cản thu hút dòng vốn FDI từ Âu, Mỹ. Ảnh minh họa.
Ông Paul Tonkes, Giám đốc bộ phận bất động sản công nghiệp và kho vận - Cushman & Wakefield Việt Nam nói: "Với EVFTA tôi hy vọng rằng các nhà đầu tư châu Âu có thể quan tâm nhiều hơn đến Việt Nam. Chúng ta luôn mong muốn dòng vốn đầu tư chất lượng - công nghệ cao. Tôi nghĩ, có thể nên cân nhắc đến yếu tố về sự đa dạng của các khu công nghiệp. Những khu công nghiệp với nhóm ngành hoặc hướng cụ thể, công nghệ cao chẳng hạn nhưng không phải là công nghệ cao chung mà tập trung vào công nghệ sinh học, sản phẩm nông nghiệp…đó là những thứ Việt Nam còn thiếu, những mảnh ghép chưa có".
Nhiều chuyên gia nhận định, thu hút nhiều hơn các nhà đầu tư EU và Mỹ là cơ hội để đa dạng hóa nguồn vốn FDI, đồng thời tận dụng được đầu tư từ khu vực này cho các hoạt động mang lại giá trị gia tăng cao hơn.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!