Vậy liệu Việt Nam đã sẵn sàng đón nhận làn sóng đầu tư mới? Đây là câu hỏi được đặt ra tại buổi tọa đàm trực tuyến do Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa thành phố Hà Nội tổ chức hôm nay (30/6).
Nhiều chuyên gia cho rằng, nhìn một cách khách quan, sự dịch chuyển đầu tư ra khỏi Trung Quốc sẽ không ồ ạt, bởi đây vẫn là thị trường rất lớn, nhưng chỉ dịch chuyển 3% - 5% cũng đủ để Việt Nam tiếp nhận. Trên thực tế, Việt Nam đang có cơ hội thực sự để đón luồng vốn đầu tư dịch chuyển và là một luồng vốn khác, chứ không phải chỉ là sự gia tăng bình thường như trước đại dịch COVID-19.
Việt Nam đang có cơ hội thực sự để đón luồng vốn đầu tư dịch chuyển. (Ảnh minh họa: Dân trí)
"Luồng vốn đó là một phổ rất rộng, chính vì vậy chúng ta phải chọn lọc. Việt Nam cần thu hút đầu tư nước ngoài chất lượng cao hơn, giá trị gia tăng cao hơn và phát triển nguồn nhân lực tốt hơn. Đó chính là cách chúng ta nâng tầm của Việt Nam lên. Một điều hết sức quan trọng là vào đây không phải tư duy khai phá mà là tư duy hợp tác" - ông Nguyễn Văn Toàn, Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp đầu tư nước ngoài (VAFIE), nhận định.
Sau COVID-19, Việt Nam trở thành điểm đầu tư an tâm cho các nhà đầu tư nước ngoài. (Ảnh minh họa: Dân trí)
Việt Nam cũng có những lợi thế nhất định để sẵn sàng đón sự dịch chuyển của dòng vốn ngoại. Nền kinh tế Việt Nam có kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát thấp, tăng trưởng cao, tiền tệ ổn định, nhân lực dồi dào… Sau COVID-19, Việt Nam đang nổi lên là một nước thành công trong ngăn chặn, dập dịch và trở thành điểm đầu tư an tâm cho các nhà đầu tư nước ngoài.
Với những nỗ lực hoàn thiện khung pháp lý, tạo mọi điều kiện đầu tư kinh doanh thuận lợi, bình đẳng cho các nhà đầu tư, dù không tránh được ảnh hưởng của đại dịch COVID-19, nhưng Việt Nam vẫn được đánh giá là "đất lành" thu hút vốn FDI chất lượng cao sau đại dịch.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!