Chứng khoán Mỹ chờ đợi cuộc họp của FED
Hiện thông tin được cả thị trường quan tâm nhất lúc này chính là cuộc họp chính sách kéo dài 2 ngày của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED), bắt đầu trong hôm nay và ngày mai (14/6). Sau 10 lần tăng lãi suất liên tiếp, liệu FED sẽ tạm dừng lãi suất đang là câu hỏi được các nhà đầu tư đặc biệt quan tâm.
Kết thúc phiên giao dịch đầu tuần, phố Wall đang phản ứng tích cực với hy vọng một nhịp dừng nâng lãi suất là cần thiết lúc này. Chỉ số S&P 500 bật tăng 0,93% lên mức cao nhất 13 tháng nhờ sự đi lên của giá cổ phiếu Amazon và Tesla.
Như vậy, chỉ số này đã phục hồi hơn 20% kể từ tháng 10/2022. Các chuyên gia cho rằng, phố Wall đang tiến vào chu kỳ giá lên.
Hiện thông tin được cả thị trường quan tâm nhất lúc này chính là cuộc họp chính sách kéo dài 2 ngày của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ. Ảnh minh họa.
Nguyên nhân FED có thể dừng tăng lãi suất trong tháng 6
Theo công cụ theo dõi FED Watch, hiện nay tỷ lệ FED dừng tăng lãi suất đang lên tới 79,2%. Vậy điều gì khiến cho FED phải tạm dừng tại thời điểm tháng 6?
Hai chỉ số quan trong là lạm phát và việc làm đang ghi nhận nhiều dữ liệu trái chiều cho thấy FED cần thêm thời gian đánh giá tác động kinh tế của các đợt tăng lãi suất trước đó.
Lạm phát Mỹ tháng 4 đã tăng trở lại, lần đầu tiên trong năm nay. Theo đó, chỉ số giá chi tiêu tiêu dùng cá nhân (PCE) - thước đo lạm phát ưa thích của FED tăng tới 4,4% so với cùng kỳ năm ngoái. Song người tiêu dùng Mỹ vẫn mạnh tay chi tiêu vượt dự kiến cho ô tô, các bữa ăn ngoài, vé xem phim…
Trụ sở Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) tại Washington DC.
Còn trên thị trường lao động, số liệu mới nhất chỉ ra, 339.000 việc làm mới được tạo ra trong tháng 5, cao gấp đôi ước tính. Tuy nhiên, tỷ lệ thất nghiệp tại Mỹ cũng lại tăng lên 3,7% - mức cao nhất 7 tháng.
Bên cạnh số liệu về lạm phát và việc làm, nhiều chuyên trang tài chính phân tích cho rằng, việc dừng tăng của FED lần này còn do những nguyên nhân quan trọng hơn.
Bắt đầu từ tuần này, Bộ Tài chính Mỹ sẽ phát hành một lượng lớn tín phiếu kho bạc để bổ sung tiền mặt vào ngân sách sau khi trần nợ công được giải quyết.
JPMorgan ước tính Chính phủ Mỹ cần phải vay 1.100 tỷ USD thông qua tín phiếu kho bạc từ nay cho đến hết năm 2023, trong đó số tín phiếu được phát hành ròng trong 4 tháng tới sẽ là 850 tỷ USD.
Bloomberg gọi đây là "cơn lũ" tín phiếu, còn Market Watch gọi là "trận lụt tín phiếu đang tới". Dự báo lợi suất sẽ tăng nhanh, có tác động tương đương với việc tăng từ 25 đến 50 điểm phần trăm lãi suất trên thị trường.
Hiện lợi suất chào mời cho tín phiếu kỳ hạn 17 tuần trên trang chủ của Bộ Tài chính Mỹ cho lô phát hành hôm 13/6 là 5,379%/năm, tức đã có hơn mặt bằng chung của lãi suất cơ bản là từ 5 - 5,25%.
Rõ ràng, một lượng lớn tín phiếu phát hành trong thời gian ngắn đang gây áp lực đối với tiền gửi trong hệ thống ngân hàng Mỹ. Tính trong quý I vừa qua, đã có tổng cộng 472 tỷ USD tiền gửi bị rút khỏi các ngần hàng, cao kỷ lục trong 40 năm.
Các chuyên gia cho rằng, nếu tiền gửi tiếp tục bị rút ra, cùng đà tăng của lợi suất trái phiếu trong tháng 6, có thể kích thích các ngân hàng thương mại Mỹ cả lớn và nhỏ đều phải đưa ra mức lãi suất cao hơn với các tài khoản tiết kiệm. Vì vậy, dù FED không tăng lãi suất, các điều kiện tại chính vẫn sẽ bị thắt chặt trong tháng 6.
Rõ ràng với lượng tín phiếu lớn lên tới hơn 1.000 tỷ USD được phát hành sẽ khiến lợi suất kho bạc Mỹ tăng trong ngắn hạn, kéo theo đó là lãi suất ngân hàng tăng theo. Do vậy, việc FED tạm dừng nâng lãi suất là điều dễ hiểu.
Tuy nhiên, hiện các dự báo đều nghiêng theo hướng sau khi tạm dừng trong tháng 6, FED sẽ nâng lãi suất trở lại vào tháng 7 và còn một đợt tăng nữa trước khi dừng hẳn chu kỳ thắt chặt tiền tệ. Điều đó có nghĩa các chỉ số lao động và lạm phát sắp tới sẽ càng thêm quan trọng trong việc xem xét mức tăng. Đáng chú ý, tại cuộc họp báo vào ngày 14/6 tới, FED sẽ công bố những dự báo mới nhất của kinh tế Mỹ từ nay đến cuối năm.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!