Fed giữ nguyên lãi suất sau 10 lần tăng liên tiếp

PV-Thứ năm, ngày 15/06/2023 07:28 GMT+7

VTV.vn - Cùng với việc giữ nguyên lãi suất, các quan chức Fed đã nâng dự báo tăng trưởng kinh tế năm 2023 lên mức 1%, từ mức 0,4% đưa ra hồi tháng 3.

Kết thúc cuộc họp kéo dài hai ngày 13-14/6, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) đã giữ nguyên lãi suất ở mức 5-5,25%, nhưng các dự báo mới về nền kinh tế cho thấy lãi suất có thể tăng 0,5 điểm phần trăm vào cuối năm, khi nền kinh tế mạnh hơn dự kiến và lạm phát giảm với tốc độ chậm hơn.

Theo tuyên bố chính sách sau cuộc họp, Ủy ban Thị trường mở Liên bang cho biết, trong nỗ lực cân bằng giữa những rủi ro đối với nền kinh tế và cuộc chiến chống lạm phát chưa kết thúc, việc giữ nguyên lãi suất cho phép ủy ban này đánh giá về các thông tin bổ sung và hiệu quả của chính sách tiền tệ. Việc tiếp tục tăng lãi suất sẽ tính đến độ trễ của tác động từ chính sách tiền tệ đến hoạt động kinh tế và lạm phát cũng như tình hình nền kinh tế và tài chính.

Các dự báo mới cho thấy các nhà hoạch định chính sách nhận định lãi suất sẽ tăng từ mức 5-5,25% hiện nay lên 5,5-5,75% vào cuối năm. Một nửa trong số 18 quan chức Fed dự báo mức này, trong khi ba quan chức cho rằng lãi suất sẽ ở mức cao hơn.

Triển vọng lãi suất và các dự báo mới về nền kinh tế có thể đưa đến nhận định của các nhà đầu tư về khả năng Fed tăng lãi suất 0,25 điểm phần trăm tại cuộc họp lần tới vào tháng 7. Khả năng Fed tăng lãi suất được đưa ra khi nền kinh tế cải thiện và lạm phát tiến đến mức mục tiêu 2% với tốc độ chậm hơn.

Fed giữ nguyên lãi suất sau 10 lần tăng liên tiếp - Ảnh 1.

Cùng với việc giữ nguyên lãi suất, các quan chức Fed đã nâng dự báo tăng trưởng kinh tế năm 2023 lên mức 1%, từ mức 0,4% đưa ra hồi tháng 3

Các quan chức Fed đã nâng dự báo tăng trưởng kinh tế năm 2023 lên mức 1%, từ mức 0,4% đưa ra hồi tháng 3 và hiện nhận định tỷ lệ thất nghiệp sẽ chỉ tăng lên 4,1% vào cuối năm, so với mức dự báo 4,5% trước đó. Tỷ lệ thất nghiệp tháng 5 là 3,7%.

Trong khi đó, lạm phát được dự báo sẽ giảm chậm hơn, với chỉ số giá chi tiêu tiêu dùng cá nhân (PCE), thước đo lạm phát ưa thích của Fed, giảm từ mức 4,7% hiện nay xuống 3,9% vào cuối năm, so với con số dự báo 3,6% mà các nhà hoạch định chính sách đưa ra vào tháng 3.

Số liệu mới được công bố ngày 13/6 cho thấy chỉ số giá tiêu dùng (CPI) đã tăng chậm lại, ở mức 4% trong tháng Năm so với cùng kỳ năm ngoái, mức thấp nhất trong gần hai năm qua. CPI lõi, không tính giá năng lượng và thực phẩm vốn dễ biến động, vẫn duy trì đà tăng ở mức 5,3%.

Cả PCE và CPI vẫn cao hơn nhiều so với mức mục tiêu 2%, nhưng cũng đã có dấu hiệu tăng chậm lại trong những tháng gần đây.

Sẽ mất nhiều tháng, thậm chí nhiều năm, các lần tăng lãi suất mới tác động đầy đủ đến nền kinh tế. Do đó, nền kinh tế có thể mới chỉ chịu một phần tác động từ các động thái của Fed. Điều này gây rủi ro Fed có thể hành động quá mạnh và làm chậm tốc độ tăng trưởng kinh tế quá mức cần thiết để kiềm chế lạm phát nếu các quan chức không đánh giá tình hình của nền kinh tế theo thời gian.

Việc kìm hãm nền kinh tế quá mạnh rất có thể sẽ làm mất việc làm, ảnh hưởng đến tài chính của nhiều người Mỹ. Trong khi đó, phản ứng chính sách nửa vời cũng sẽ gây ra những hệ lụy. Nếu lạm phát cao trong nhiều năm, người tiêu dùng có thể quen với việc giá cả tăng mạnh, khiến việc kiềm chế lạm phát khó khăn hơn, gây ra những tác động nghiêm trọng đến nền kinh tế, với tỷ lệ thất nghiệp tăng.

Các chỉ số chứng khoán Mỹ giảm điểm phiên 14/6, sau quyết định của Fed. Chỉ số Dow Jones giảm 1,18%, xuống 33.808,66 điểm, trong khi chỉ số S&P 500 giảm 0,68%, xuống 4.339,39 điểm. Chỉ số Nasdaq Composite giảm 0,83%, xuống 13.460,86 điểm.

Trong khi đó, đồng USD cắt đà giảm trong phiên này. Chỉ số USD thay đổi không đáng kể trong phiên, ở mức 103,23 điểm, sau khi chạm mức thấp trong bốn tuần vào đầu phiên

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước