Tổ chức xếp hạng tín nhiệm Fitch Ratings của Mỹ thông báo nâng xếp hạng tín nhiệm về nợ dài hạn vay bằng đồng ngoại tệ (IDR) của Việt Nam từ mức "BB-" lên "BB" với triển vọng "Ổn định".
Fitch cũng dự báo Việt Nam sẽ tiếp tục là một trong những nền kinh tế tăng trưởng nhanh nhất tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương và trong số các nước có cùng xếp hạng "BB".
Bà Sagarika Chandra - Phó Giám đốc Nhóm đánh giá tín nhiệm của Fitch Ratings tại Văn phòng Hong Kong, Trung Quốc - đã có những chia sẻ thêm về chủ đề này.
PV: Xin chào bà Sagarika Chandra! Đâu là những cơ sở để Fitch Ratings có thể nâng xếp hạng tín nhiệm của Việt Nam với triển vọng ổn định tại thời điểm này?
Bà Sagarika Chandra: Có một số cơ sở nhất định để Fitch tăng hạng cho Việt Nam lần này. Trước tiên, kinh tế Việt Nam vẫn đang đi theo xu hướng tăng trưởng mạnh mẽ. Có thể thấy rõ điều này khi GDP năm 2017 đã tăng tới 6,8% - thuộc top đầu về tăng trưởng nhanh nhất tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương.
Chính phủ Việt Nam tiếp tục giữ vững bức tranh ổn định của kinh tế vĩ mô thông qua các nhóm biện pháp về tiền tệ, tài khóa linh hoạt đưa ra từ đầu 2016. Dòng vốn nước ngoài FDI vẫn đang được đổ vào lĩnh vực sản xuất.
Thứ hai là khả năng hấp thụ sốc từ bên ngoài của Việt Nam đã được cải thiện, thể hiện ở việc dự trữ ngoại hối tăng lên tới 49 tỷ USD năm 2017.
Cuối cùng, các chuyên gia Fitch tính toán, tổng nợ Chính phủ đã giảm tương đối tốt về mức 52,4% GDP năm 2017 và có thể tiếp tục giảm về dưới mức 50% GDP vào năm 2019 nhờ nguồn thu từ kế hoạch cổ phần hóa. Đây là những số liệu rất lạc quan.
PV: Bà có vừa nhắc tới kế hoạch cổ phần hóa doanh nghiệp Nhà nước. 2018 được xem là năm bản lề tái cơ cấu với mục tiêu phải hoàn thành cổ phần hóa 86 doanh nghiệp. Bà đánh giá như thế nào về mục tiêu này?
Bà Sagarika Chandra: Có thể thấy là tiến trình cổ phần hóa của Việt Nam đã đi được nửa chặng đường và năm nay là năm vô cùng quan trọng trong giai đoạn 2016 - 2020.
Nếu như năm 2017, SCIC đã thoái vốn thành công tại 38 doanh nghiệp, mới chỉ tiến sát mục tiêu đề ra. Cũng đã có những lo ngại nhưng tôi cho rằng với cam kết mạnh mẽ từ Chính phủ cùng nền tảng tốt là những thương vụ lớn như Sabeco, Vinamilk..., năm 2018, các mục tiêu đặt ra vẫn sẽ thành công ở mức độ nhất định.
Thị trường chứng khoán sẽ đón thêm những "hàng tốt" nhất các công ty nhóm ngành dầu khí. Nhờ nguồn thu được từ cổ phần hóa này mà tỷ lệ nợ công của Việt Nam tiếp tục giảm thời gian tới.
Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam tại TV Online!