Kết quả này khả quan hơn rất nhiều so với con số được dự báo trước đó. Đáng chú ý, chỉ trong 9 ngày Tết Âm lịch, hàng hóa của Việt Nam đã xuất sang 109 quốc gia và vùng lãnh thổ. Các doanh nghiệp trong nhiều nhóm ngành đã nhận được đơn đặt hàng cho đến quá nửa năm nay.
Nếu như mọi năm, hiện là thấp điểm của nhóm ngành dệt may thì năm nay, lượng đơn hàng đã tăng đột biến. 4.000 lao động cùng toàn bộ dây chuyền của Công ty CP Tổng Công ty May Bắc Giang BGG đang tăng tốc sản xuất. Mức doanh thu cả năm vượt 100 triệu USD được dự báo trong tầm tay.
"Bằng các biện pháp chống dịch tốt của Chính phủ, chúng tôi đã phát triển vượt bậc trong những tháng cuối năm. Hiện chúng tôi đã ký kết nhiều đơn hàng đến tháng 9/2022. Dự báo tăng trưởng từ 30 - 40%", ông Nguyễn Hữu Cường, Tổng Giám đốc Công ty CP Tổng Công ty May Bắc Giang BGG, cho biết.
Hiện đơn hàng dệt may xuất đi Nhật Bản, châu Âu, những thị trường đối tác trong FTA đã tăng tới 50% so với cùng kỳ.
Tuy nhiên, với nông sản xuất khẩu đi châu Âu, khó khăn gần đây là tình trạng kẹt cảng hàng hóa. Do đó, chỉ những mặt hàng có thời gian bảo quản dài, doanh nghiệp đầu tư chế biến bảo quản sâu mới có lợi thế. Trong 2 tháng đầu năm, nhu cầu thị trường xuất khẩu tăng hơn 30%, nhưng các doanh nghiệp mới chỉ mới đáp ứng được 1/2. Dư địa vẫn còn rất lớn.
Các doanh nghiệp trong nhiều nhóm ngành đã nhận được đơn đặt hàng cho đến quá nửa năm nay. (Ảnh minh họa - Ảnh: TTXVN)
Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP) chính thức có hiệu lực từ ngày 1/1 thống nhất hóa các nguyên tắc về thương mại tự do, đặc biệt là các nguyên tắc về nguồn gốc xuất xứ hàng hóa của 15 thị trường với 2,2 tỷ người tiêu dùng.
"Hiện nay chúng tôi không gia công nữa, mà bán vào thị trường Hàn Quốc, Trung Quốc và cho cả thị trường Thái Lan vì Thái Lan có nhóm khách hàng rất lớn của Hàn Quốc, Trung Quốc, thành ra trước đây chúng tôi là đối thủ thì giờ đây tôi bán thẳng sang cho Thái", ông Trần Việt Anh, Tổng Giám đốc Công ty CP Xuất nhập khẩu Nam Thái Sơn, chia sẻ.
"Các quốc gia đạt được các chuẩn mực chung về nguồn gốc xuất xứ thì nó sẽ đạt được các chuẩn mực để hưởng ưu đãi về thuế quan khi thúc đẩy xuất khẩu vào các thị trường nội khối", ông Đỗ Thiên Anh Tuấn, Giảng viên Trường Đại học Fulbright Việt Nam, đánh giá.
TP Hồ Chí Minh đã lấy lại vị trí đứng đầu các địa phương về kim ngạch xuất khẩu với gần 4,1 tỷ USD trong tháng đầu năm. Hầu hết doanh nghiệp công nghiệp đã khôi phục công suất trên 95%, sẵn sàng đơn đặt hàng đến hết nửa đầu năm nay đi các thị trường hàng đầu thế giới.
Tận dụng hiệu quả các hiệp định thương mại
Việt Nam được đánh giá là một quốc gia có độ mở cửa nền kinh tế mạnh khi chỉ sau 15 năm gia nhập WTO đã đàm phán, ký kết được 15 Hiệp định thương mại tự do, giúp mở rộng cánh cửa thị trường cho hàng hóa để kết nối và tham gia sâu hơn vào chuỗi giá trị và mạng lưới sản xuất toàn cầu.
FTA giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu EVFTA sau hơn 1 năm thực thi, xuất khẩu của Việt Nam sang EU đạt trên 40 tỷ USD, tăng 14%. Hiệp định giữa Việt Nam với Liên hiệp Vương quốc Anh và Bắc Ireland UKVFTA được thực thi từ đầu năm 2021 cũng giúp cho quan hệ thương mại song phương Việt Nam - Vương quốc Anh đạt gần 6,6 tỷ USD. Giá trị xuất nhập khẩu đều tăng 2 chữ số.
Chỉ trong 9 ngày Tết Âm lịch, hàng hóa của Việt Nam đã xuất sang 109 quốc gia và vùng lãnh thổ. (Ảnh minh họa - Ảnh: TTXVN)
Riêng với Hiệp định đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), tăng trưởng xuất khẩu sang hai thị trường mà Việt Nam mới có FTA là Canada tăng gần 20% và Mexico là trên 46%.
Thách thức xây dựng chuỗi cung ứng trong các FTA
Cùng với các FTA nói trên, từ đầu năm nay, Hiệp định Đối tác kinh tế Toàn diện khu vực (RCEP) cũng đã có hiệu lực góp phần thúc đẩy thương mại, đầu tư giữa Việt Nam với ASEAN và 5 đối tác: Australia, New Zealand, Nhật Bản, Trung Quốc và Hàn Quốc.
Tuy nhiên, đây là những quốc gia đã tham gia sâu vào mạng lưới sản xuất toàn cầu và có sự tương đồng về hàng hóa xuất khẩu với Việt Nam. Vì vậy, bên cạnh cơ hội cũng có không ít thách thức với doanh nghiệp cũng như cả nền kinh tế.
Hạt nhựa là nguyên liệu đầu vào của Công ty Haast Việt Nam để sản xuất các linh kiện ô tô, xe máy, thiết bị điện tử. Giá thành 1 kg hạt nhựa Việt Nam là hơn 25.000 đồng, còn hạt nhựa nhập từ Trung Quốc, Hàn Quốc chỉ đắt hơn khoảng 5.000 đồng, nhưng lại đạt tiêu chuẩn đầu vào trong chuỗi cung ứng của các đổi tác Hàn Quốc, Hoa Kỳ, Liên minh châu Âu. Do vậy, có thể thấy Hiệp định RCEP sẽ giúp các sản phẩm từ các nước trong ASEAN, Trung Quốc, Hàn Quốc có lợi thế về giá, gây áp lực cạnh tranh lớn cho các doanh nghiệp trên sân nhà.
"Phần lớn các thị trường lâu đời như Hàn Quốc, Nhật Bản và gần đây là Trung Quốc đã có nền công nghiệp lâu đời, phát triển hay đã có những yêu cầu kỹ thuật, đòi hỏi nhựa kỹ thuật cao hơn. Và có lẽ cần thêm thời gian để các doanh nghiệp Việt Nam có thể sản xuất loại nhựa tiêu chuẩn cao", ông Dương Nguyên Thành, Phó Chủ tịch Công ty Haast Việt Nam, cho hay.
RCEP là khu vực hoạt động sản xuất, xuất nhập khẩu năng động trên thế giới. Khu vực này chiếm 50 - 55% tổng xuất nhập khẩu của Việt Nam. Trong đó xuất khẩu chiếm 25 - 30%, còn nhập khẩu xấp xỉ 70%. Như vậy các nước RCEP là nguồn cung nhập khẩu lớn nhất vào Việt Nam, đặc biệt là các nguyên phụ liệu và máy móc thiết bị phục vụ nhiều ngành sản xuất, xuất khẩu.
"Thách thức lớn nhất là phát triển công nghiệp phụ trợ của Việt Nam trong thời gian tới. Nhập khẩu nguyên liệu, hàng đầu vào sẽ rẻ hơn và kích thích nhập khẩu thay cho việc sản xuất trong nước. Đấy là một sức ép cạnh tranh lớn với doanh nghiệp", TS. Trần Toàn Thắng, Trưởng ban Dự báo kinh tế ngành và doanh nghiệp, Trung tâm Thông tin và Dự báo Kinh tế xã hội Quốc gia, nhận định.
Tham gia hiệp định thương mại tự do với các quốc gia có trình độ kỹ thuật cao hơn sẽ là thách thức với Việt Nam. Bởi thị trường Việt Nam cũng phải nhập một lượng lớn hàng hóa và nguyên phụ liệu từ các nước trong khối và đương nhiên hàng Việt Nam sẽ bị cạnh tranh ngay cả trên thị trường nội địa.
Vì vậy, để cân bằng, doanh nghiệp Việt Nam phải tính đến việc tận dụng tối đa lợi thế và cơ hội của "người đi trước" trong các FTA để tạo chỗ đứng tại thị trường các nước trong hiệp định.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!