Trong nhiều hoàn cảnh, việc các đàn gia súc, gia cầm chăn nuôi tăng mạnh là tín hiệu vui cho nông dân, nhưng hiện nay lại là điều đáng lo. Bởi hiện nhu cầu tiêu thụ giảm do giãn cách xã hội, việc vận chuyển lưu thông hàng hóa gặp khó khăn, khiến sản phẩm không bán được, tồn đọng tại chuồng nhiều.
Ngoài ra, người chăn nuôi còn phải chịu áp lực khi giá thức ăn chăn nuôi tăng liên tục, tăng gần 15% so với cùng kỳ năm 2020, nên nhiều trại nuôi phải giảm đàn, hoặc treo chuồng.
Những tháng gần đây, các chủ trại gia cầm liên tiếp kêu gọi hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm, xin gia hạn nợ vay ngân hàng. Ế trầm trọng nhất là gà trắng, chỉ tiêu thụ được 5% tại 19 tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL).
Theo Cục Chăn nuôi, ở khu vực ĐBSCL hiện có hơn 9 triệu con gà trắng quá lứa, hoặc đến kỳ xuất chuồng chưa bán được, nên càng nuôi càng lỗ. Nếu có bán được thì rất ít và giá chỉ từ 6.000 - 10.000 đồng/kg, chỉ bằng khoảng 25 - 30% giá thành làm ra.
Những tháng gần đây, các chủ trại gia cầm liên tiếp kêu gọi hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm, xin gia hạn nợ vay ngân hàng. (Ảnh minh họa: TTXVN)
Còn tại miền Bắc nuôi nhiều gà màu hơn, ế đọng tuy ít hơn, nhưng lượng gà thịt cũng chỉ tiêu thụ được 70%. 30% còn lại, tương đương khoảng 25,5 triệu con gà màu, cũng đang rơi vào tình cảnh khó tiêu thụ.
Các doanh nghiệp gà giống giảm công suất
Gà không bán được, không có chuồng trại, người dân không có vốn xoay vòng để đầu tư tái đàn. Không chỉ các trại ấp nở gia cầm nhỏ, mà hàng loạt xưởng, nhà máy giống gia cầm lớn cũng phải giảm công suất. Thậm chí gà giống cụ kị, ông bà phải bán đi làm gà thịt, trứng giống đang ấp phải chuyển ra bán trứng thương phẩm hoặc trứng thải loại, thiệt hại rất lớn.
Điều đáng ngại, hiện nhiều tập đoàn giống lớn, có tiềm lực tài chính mạnh, có chuỗi liên kết khép kín và mạng lưới hàng trăm nghìn trại nuôi khắp cả nước cũng phải giảm công suất ấp nở tới 50%.
Ghi nhận tại một nhà máy sản xuất giống gia cầm Dabaco thuộc tập đoàn chăn nuôi lớn hàng đầu Việt Nam, nay chỉ có 1 trong 2 dây chuyền chia loại gà giống hoạt động. Thời gian hoạt động cũng giảm một nửa.
Khác với cảnh chật chội, sôi động trước kia, phòng tiêm vaccine cho gà và đóng hộp xuất đi nay chủ yếu là các kệ, thùng không gà. Số nhân công giảm một nửa do quy định giãn cách trong dịch COVID-19. Ngoài ra, cũng vì lượng gà giống chọi chỉ bán được khoảng 30%, gà J chạy hơn, cũng chỉ bằng 60% trước kia.
Những con gà J Dabaco vốn được thị trường lễ Tết cuối năm rất ưa chuộng, là sản phẩm chủ lực của cơ sở giống, nhưng hiện nay nhà máy này đã phải giảm đến 40% sản lượng, thậm chí mỗi tháng phải tiêu hủy tới hàng triệu con.
"Bình thường ấp khoảng 2 triệu quả, nhưng bây giờ giảm xuống ấp còn triệu 1 tháng. Gà con nở ra không bán được, phải hủy, dầm nước", kỹ sư Nguyễn Bá Quyên, Giám đốc Nhà máy Sản xuất giống gia cầm Dabaco, cho biết.
Một nửa số máy ấp hiện đại đã dừng ấp trứng. Lượng trứng chờ ấp đã giảm trên 40%. Giá thành 1 quả trứng giống là 7.000 đồng, nhưng hàng chục nghìn trứng giống đã phải bán ra với giá trứng thương phẩm, 2.000 đồng/quả. Lý do là hàng loạt hợp đồng mua giống bị hủy bất thình lình do dịch COVID-19. Dù dự báo cuối năm nhu cầu thực phẩm sẽ tăng, nhưng tập đoàn cũng không dám để lại nuôi số gà giống ế thừa.
Hơn 30 xe tải chuyên vận chuyển gà giống đi bán nay hầu hết nằm bãi. Một số ít xe đi đưa hàng thì phát sinh chi phí lớn gần gấp đôi trước kia. Thời gian đưa hàng dài hơn nhiều. Thậm chí, chất lượng gà giống có thể bị giảm do chờ đợi kiểm dịch trên đường.
"Chi phí xét nghiệm lên khoảng 35 triệu đồng cho 14 người. Xăng dầu đội lên gấp đôi", anh Nguyễn Đình Lục, Đội trưởng Đội xe vận tải, Công ty Gà giống Dabaco, cho hay.
Chuỗi chăn nuôi khép kín từ giống, thức ăn cho đến khâu chế biến, tiêu thụ sản phẩm gia cầm đã phải bù lỗ hàng năm, nay xác định không hoàn thành kế hoạch, chỉ đạt một nửa doanh thu so với những năm trước.
Gỡ khó khăn cho thị trường gà cuối năm
Theo đại diện ngành chăn nuôi, việc tái đàn gà thường nhanh hơn các loại vật nuôi khác do suất đầu tư tái đàn gà thấp hơn. Vì vậy, việc cân đối cung cầu sản phẩm từ gà dịp cuối năm không quá khó như với lợn, bò, trâu…
Bên cạnh việc chấp nhận lỗ thời gian này, nhằm để duy trì bộ máy và thị trường khách hàng, nên nhiều địa phương, cơ sở đã và đang nỗ lực, linh hoạt, từng bước gỡ khó cho thị trường gà cuối năm.
Ghi nhận tại xưởng ấp nhỏ của Xí nghiệp Chăn nuôi Gia cầm HADICO tại Đường Lâm, Sơn Tây, Hà Nội, giữa lúc nhiều cơ sở ấp giống gà phải ngưng hoạt động, cứ 2 ngày, xưởng này vẫn xuất 25.000 con gà giống. Nguyên nhân chính là do cơ sở chỉ sản xuất giống gà Mía Sơn Tây giữa xã Đường Lâm, nơi phát tích ra con gà bản địa quý hiếm được thị trường ưa chuộng. Hơn nữa, chất lượng con giống ở đây luôn đảm bảo nhất khu vực.
Người chăn nuôi phải chịu áp lực lớn khi giá thức ăn chăn nuôi tăng liên tục. (Ảnh minh họa: NLĐ)
Số lượng 50.000 gà giống cụ kị, ông bà, bố mẹ của doanh nghiệp nhỏ này đã được tuyển chọn kỹ càng. Chuồng trại, thức ăn, chế độ chăm sóc phù hợp với tập tính sinh trưởng và giảm được giá thành con giống thấp nhất.
"Chúng tôi đã liên kết với các trung tâm xúc tiến thương mại để quảng cáo và phải phối trộn thêm, hạ thấp giá thành, chất lượng thịt thơm ngon hơn", ông Nguyễn Duy Vụ, Giám đốc Xí nghiệp Chăn nuôi Gia cầm HADICO, Đường Lâm, Sơn Tây, Hà Nội, chia sẻ.
Kinh nghiệm chọn giống tốt, giống theo nhu cầu cao của thị trường và công thức chăn nuôi giảm giá thành cũng được cơ sở giống gà hiện đại top đầu cả nước như Dabaco áp dụng. Đặc biệt là bài học xây dựng chuỗi liên kết khép kín bền chặt giữa các chủ trại, doanh nghiệp vật tư và chế biến, phân phối.
"Chúng tôi cũng đã chủ động chọn tạo một số bộ giống mới để giúp bà con giảm được chi phí, nâng cao sức cạnh tranh. Ngoài khả năng kháng bệnh, thích nghi, những bộ giống mới này còn có ưu điểm nữa là phù hợp với thị hiếu tiêu dùng", kỹ sư Nguyễn Như Phán, Phó Giám đốc Công ty Gà giống Dabaco, cho biết.
"Chúng tôi vẫn khuyến cáo rằng nên sản xuất theo chuỗi để tận dụng lợi thế của địa phương, kể cả nguồn nguyên liệu thức ăn", Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Nguyễn Văn Trọng nhấn mạnh.
Lúc này, ngành nông nghiệp khuyến khích các cơ sở giống chấp nhận lỗ, để duy trì đàn giống có giá trị và đội ngũ nhân công thạo nghề, cùng mạng lưới khách hàng. Các ngân hàng cũng nên hỗ trợ, gia hạn nợ cho người chăn nuôi để cuối năm, người tiêu dùng không bị thiếu sản phẩm từ gà và ổn định cung cầu về lâu dài.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!