Gần 60% doanh nghiệp Nhật Bản sẽ mở rộng hoạt động kinh doanh tại Việt Nam

Diệu Linh-Thứ tư, ngày 15/02/2023 06:01 GMT+7

VTV.vn - Theo Tổ chức Xúc tiến Thương mại Nhật Bản (JETRO), gần 60% doanh nghiệp Nhật Bản kinh doanh tại Việt Nam có lãi trong báo cáo triển vọng lợi nhuận năm 2022.

Tỷ lệ doanh nghiệp báo lãi tăng trong khi tỷ lệ doanh nghiệp báo lỗ giảm. Kết quả kinh doanh khả quan đi kèm với sự phục hồi sau đại dịch COVID-19 là các lý do chính khiến gần 2/3 số doanh nghiệp Nhật Bản tại Việt Nam đặt ra kế hoạch mở rộng kinh doanh trong năm nay và năm sau.

Doanh nghiệp sản xuất phụ kiện cho ô tô Yokowo hiện có khoảng 3500 cán bộ công nhân viên. Với số lượng đơn hàng ngày càng tăng cao, đại diện doanh nghiệp cho biết đang có kế hoạch tuyển thêm lao động để mở rộng sản xuất.

Ông Hiraka Seiichi, Tổng Giám đốc nhà máy Yokowo Việt Nam, cho biết: "Mục tiêu của chúng tôi là trong vòng 2 năm nữa, tăng số lượng cán bộ công nhân viên lên thành 4.000 người. Việt Nam có quan hệ rất tốt với Nhật Bản cùng đội ngũ lao động dồi dào và năng suất. Vì vậy tôi rất có niềm tin khi đầu tư vào đất nước của các bạn. Sắp tới, chúng tôi sẽ đầu tư thêm 10 triệu USD vào Việt Nam".

Theo JETRO, khoảng 55% doanh nghiệp trong ngành chế tạo và 66% thuộc ngành phi chế tạo sẽ mở rộng kinh doanh trong thời gian tới. Đặc biệt, số doanh nghiệp vừa và nhỏ thuộc ngành phi chế tạo có mong muốn mở rộng tăng mạnh.

Ông Nakajima Takeo, Trưởng đại diện JETRO Hanoi, nhận định: "Tỷ lệ doanh nghiệp Nhật sẽ mở rộng kinh doanh tại Việt Nam cao nhất khu vực ASEAN, trong khi đó, tỷ lệ doanh nghiệp sẽ thu hẹp hay chuyển sang nước khác chỉ 1,1%. Lý do là các doanh nghiệp Nhật Bản tại Việt Nam kỳ vọng tăng doanh thu nhờ mở rộng thị trường xuất khẩu và nhìn vào tiềm năng tăng trưởng cao của nền kinh tế".

Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, năm 2022, Nhật Bản đứng thứ 3 trong 108 quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư tại Việt Nam với tổng vốn đầu tư đăng ký hơn 4,78 tỷ USD. Các chuyên gia khuyến nghị Việt Nam tiếp tục duy trì các điều kiện thu hút FDI hiện có nhưng đồng thời cũng chọn lọc nguồn vốn để nâng cao hiệu quả.

Bà Nguyễn Minh Thảo, Trưởng ban Môi trường kinh doanh và Năng lực cạnh tranh, Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương, nói: "Việt Nam nên ưu tiên thu hút các nguồn vốn FDI chất lượng cao, hướng đến phát triển công nghệ".

Đặc biệt, theo JETRO vấn đề đầu tiên mà Việt Nam cần thải thiện về môi trường kinh doanh là tính hiệu quả trong các thủ tục hành chính để tạo ra lợi thế lớn thu hút FDI so với các nước trong khu vực ASEAN.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước