Sẽ có đến 432 DNNN phải
cổ phần hóa (CPH) trong hai năm (2014-2015) theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại hội nghị tái cơ cấu DNNN vừa được tổ chức hồi cuối tháng 2 vừa qua. Có thể nói, thông điệp của Chính phủ thể hiện rõ quyết tâm khi đặt ra áp lực: Ai chậm trễ CPH thì đi làm việc khác. Tuy nhiên đến thời điểm này khi mà quý I đã gần đi qua, số DNNN được cổ phần hóa mới chỉ đếm trên đầu ngón tay. Một số chuyên gia cho rằng, muốn đẩy mạnh việc CPH thì trước hết các DNNN phải tìm được đối tác chiến lược, tuy nhiên trên thực tế điều này chẳng dễ dàng chút nào, nhất là đối với các doanh nghiệp có đặc thù kinh doanh ngành nghề chịu nhiều áp lực cạnh tranh.
Đã 8 năm kể từ ngày đi vào hoạt động, nhưng chưa năm nào Nhà máy lắp ráp ô tô Đồng Vàng, Tổng công ty Vinamoto hoạt động hết công suất thiết kế. Những khó khăn do nhu cầu vận tải ô tô trong nước sụt giảm cộng với việc cạnh tranh với các sản phẩm nhập ngoại khiến mức lương và thu nhập bình quân của người lao động ở đây chỉ đạt mức trên dưới 4 triệu đồng/tháng. Mặc đầu vậy, đến giữa tháng 3 vừa qua, khi hay tin CPH nhà máy, 100% người lao động tại đây đã nộp tiền mua hết số cổ phiếu ưu đãi vì tin rằng, đây là cơ hội để tăng thêm thu nhập và cải thiện điều kiện làm việc.
‘ Không thể có lý do gì để các DN chậm cổ phần hóa. Ảnh minh họa
Đồng Vàng là một trong 30 công ty con của Tổng công ty Vinamotor, hầu hết các doanh nghiệp trong Tổng công ty này không được thuận lợi như Đồng Vàng khi CPH. Tới đây, Tổng công ty Vinamotor dự kiến bán ra 51% vốn sở hữu (tương đương 51 triệu cổ phần). Tuy nhiên chỉ còn một tuần nữa là đến thời điểm đấu giá cổ phiếu ra công chúng, Tổng công ty Vinamoto vẫn chưa kết thúc việc đàm phán với nhà đầu tư chiến lược.
Nguyên nhân chính là do các nhà đầu tư lo ngại về những khó khăn của ngành công nghiệp ô tô trong nước khi thực hiện miễn thuế nhập khẩu xe ô tô trong vài năm tới, hay việc lợi nhuận từ ngành công nghiệp cơ khí không như kỳ vọng.
Ông Nguyễn Hải Trung, Chủ tịch HĐTV Tổng công ty Vinamoto chia sẻ: “Chúng tôi kỳ vọng khi có thêm vốn sẽ cơ cấu lại hoạt động hiệu quả hơn”.
Thừa nhận những khó khăn có thể gặp phải khi kết quả đấu giá cổ phiếu có thể không như mong đợi, song đại diện Vụ quản lý doanh nghiệp Bộ Giao thông Vận tải cho biết, Bộ vẫn tiến hành CPH đối với 42 doanh nghiệp còn lại của Bộ trong thời gian tới.
Ông Nguyễn Chiến Thắng, Vụ trưởng Vụ Quản lý Doanh nghiệp, Bộ GTVT cho biết: “Nếu đấu giá chưa được, chúng tôi sẽ cho phép đấu giá lần sau với mức giá không thấp hơn giá trúng ban đầu, đảm bảo tỷ lệ 51% vốn CPH”.
Kinh nghiệm từ một số doanh nghiệp CPH thành công vừa qua cho thấy, điều quan trọng là các doanh nghiệp phải tự cơ cấu lại hoạt động của mình, thậm chí đã đến lúc chấp nhận loại bỏ cả những ngành nghề không còn là thế mạnh của doanh nghiệp. Có như vậy thì mới có thể hấp dẫn được nhà đầu tư và tiến trình CPH doanh nghiệp Nhà nước mới có thể tiến triển nhanh hơn.