Theo số liệu mới nhất từ Bộ Tài chính, hết 4 tháng đầu năm nay, tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công từ nguồn nước ngoài ODA mới chỉ đạt xấp xỉ 2%. Đây là con số rất thấp so với kế hoạch được Thủ tướng Chính phủ giao.
Trong khi việc giải ngân nguồn vốn ngân sách trong nước đang ghi nhận những kết quả tương đối khả quan, nguồn vốn ODA lại đang giải ngân rất chậm.
Năm nay, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn được giao khoảng 2.800 tỷ đồng vốn nước ngoài. Đến tháng 4 vừa qua, tỷ lệ giải ngân nguồn vốn này mới đạt 13%. Theo đại diện Bộ Nông nghiệp, ngoài nguyên nhân giá nguyên vật liệu tăng cao khiến các nhà thầu thi công chậm lại để nghe ngóng thị trường, quy định mới rằng các dự án ODA không được phép sử dụng vốn vay để thanh toán 10% thuế và một số chi phí thường xuyên mà phải dùng vốn đối ứng trong nước cũng khiến các dự án gặp không ít vướng mắc.
"Vốn đối ứng thì sẵn sàng bố trí và theo quy định pháp luật được bố trí, nhưng muốn bố trí được thì phải điều chỉnh, thậm chí có những dự án phải điều chỉnh cả chủ trương đầu tư, vì trong chủ trương đầu tư đã ghi rất rõ cơ cấu vốn đối ứng. Theo quy định của Luật Đầu tư công, thực hiện quy trình điều chỉnh chủ trương đầu tư cũng mất rất nhiều thời gian, ít nhất là 4 tháng", ông Nguyễn Tất Đại, Phó Vụ trưởng Vụ Kế hoạch, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, cho biết.
Dự án Metro số 1 Bến Thành - Suối Tiên dùng vốn ODA. (Ảnh: Báo Đầu tư)
Cũng theo đại diện Bộ Tài chính, đến thời điểm này, các bộ, ngành, địa phương mới chỉ phân bổ được 59% kế hoạch vốn được giao, trong khi theo quy định của Luật Đầu tư công, việc này phải hoàn thành từ cuối năm 2020.
"Khi giao kế hoạch vốn, Bộ cũng đề xuất là các Bộ, địa phương cũng sẽ phải chuẩn bị dự kiến phân bổ để sau khi kế hoạch vốn được Quốc hội và Thủ tướng Chính phủ giao thì có ngay phương án phân bổ và thực hiện ngay công tác phân bổ, đảm bảo việc phân bổ kịp trước 31/12 theo quy định của Luật Đầu tư công để các dự án sẵn sàng cho giải ngân", bà Nguyễn Xuân Thảo, Phó Cục trưởng Cục Quản lý nợ và tài chính đối ngoại, Bộ Tài chính, chia sẻ.
Ngoài ra, việc chậm thực hiện các thủ tục của một số dự án trọng điểm, trong đó đặc biệt là các dự án đường sắt đô thị như tuyến Nam Thăng Long - Trần Hưng Đạo tại Hà Nội hay Bến Thành - Suối Tiên, Bến Thành - Tham Lương tại TP Hồ Chí Minh cũng ảnh hưởng đáng kể đến kết quả giải ngân. Theo Bộ Tài chính, các dự án thuộc khối địa phương cần sớm được tháo gỡ các điểm nghẽn.
Đại diện Bộ Tài chính cũng cho biết, hiện quy định về tỷ lệ vốn trung ương cho địa phương vay lại đang được xem xét sửa đổi, giảm từ 30% xuống chỉ còn 10% đối với các địa phương khó khăn được kỳ vọng sẽ giúp cải thiện công tác giải ngân vốn vay nước ngoài.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!