Tuy không chiếm thị phần vận tải lớn và chịu sự quản lý gắt gao về giá như vận tải đường bộ, nhưng sau 20 lần điều chỉnh giá xăng dầu kể từ đầu năm 2015 đến nay, đường thủy, hàng hải và đường sắt cũng đã buộc phải giảm giá cước.
Trước đợt bán vé Tết cho người dân, Bộ Giao thông Vận tải đã chỉ đạo Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam giảm 20% giá vé hành khách, cho phù hợp với việc điều chỉnh giá xăng dầu trong thời gian qua.
Trong ngày 23/1, Tổng Công ty vận tải đường sắt lại tiếp tục giảm giá vận chuyển lần nữa đối với nhiều cung chặng và đặc biệt, với những tàu được nối thêm toa để phục vụ nhu cầu đi lại cao dịp Tết Nguyên đán.
Theo tính toán của các doanh nghiệp vận tải đường sắt, đầu vào nguyên liệu chiếm khoảng 30% giá thành vận tải. Vì thế, từ đầu năm 2015 đến nay, sau 14 lần giảm giá xăng dầu, giá vận chuyển đường sắt tùy theo tuyến đường và loại hình vận tải khách hay hàng hóa, mức cước đã buộc phải giảm.
Đối với giao thông đường thủy, việc giảm giá nguyên liệu, đặc biệt là giá dầu đã tác động ngay đến giá cước vận tải. Từ đầu năm 2015 đến nay, giá dầu đã giảm từ 35 đến 40% và tương đương với 8% giá cước vận tải đường thủy. Qua rà soát mới đây của Cục đường thủy nội địa, đến nay, phần lớn các doanh nghiệp vận tải đường thủy buộc phải đưa ra mức giá mang tính cạnh tranh.
Trong tổng năng lực vận tải của ngành giao thông, đường bộ chiếm 76%, đường thủy và hàng hải chiếm 20%, hàng không chiếm 3% và đường sắt chiếm 1%. Tuy không chiếm ưu thế như đường bộ nhưng việc giảm giá cước vận chuyển của các lĩnh vực này cũng được kiểm soát chặt chẽ. Mới đây, Bộ trưởng Bộ GTVT yêu cầu các cục chức năng có chế tài xử lý nghiêm đối với các doanh nghiệp lợi dụng nhu cầu vận chuyển Tết tăng cao để cố tình không giảm giá cước.
Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam TV Online