Thị trường bất động sản có dấu hiệu "ấm" trở lại do có nhiều quy hoạch mới. (Ảnh minh họa: Dân trí)
Mới đây, một số thông tin dư luận phản ánh "Bảng giá đất mới tại nhiều địa phương được điều chỉnh tăng" đã làm tăng giá bất động sản, gây thêm khó khăn cho các doanh nghiệp kinh doanh bất động sản trong bối cảnh dịch COVID-19.
Trao đổi với phóng viên, ông Đào Trung Chính, Phó Cục trưởng Tổng cục Quản lý đất đai, Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) khẳng định, việc này là không chính xác vì theo quy định của Luật Đất đai 2013, Bảng giá đất do các địa phương công bố, áp dụng trong 5 năm, trong trường hợp đặc biệt, thị trường thay đổi lớn mới phải điều chỉnh.
"Hiện nay, các địa phương đang sử dụng bảng giá đất từ năm 2020 đến hết năm 2024, tức là các địa phương đã thực hiện ổn định bảng giá đất từ đầu năm 2020 (trừ tỉnh Lào Cai có điều chỉnh bảng giá đất một số đoạn đường). Như vậy, giá các loại đất theo bảng giá không tăng trong đầu năm 2021", ông Chính nhấn mạnh.
Theo ông Đào Trung Chính, đầu năm 2021, việc tăng giá đất tại một số địa phương là do các nguyên nhân khác.
Cụ thể, thị trường bất động sản có dấu hiệu "ấm" trở lại do có nhiều quy hoạch mới (hệ thống sân bay, hệ thống giao thông) hoặc một số địa phương chuyển đổi từ huyện thành quận khiến bất động sản nhà ở của đô thị khởi sắc hơn.
Biển cảnh báo của UBND xã Tóc Tiên, thị xã Phú Mỹ, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu về dự án "ma". (Ảnh: TTXVN)
Bên cạnh đó, xu hướng người dân đổ vốn vào bất động sản nhà ở, nghỉ dưỡng cũng làm tăng giá. Ngoài ra, do kiểm soát COVID-19 hiệu quả, Việt Nam trở thành điểm đến an toàn cùng với việc tham gia nhiều hiệp định thương mại tự do dẫn tới có luồng dịch chuyển đầu tư quốc tế về Việt Nam. Trong khi đó, nguồn đất dành cho khu công nghiệp, khu chế xuất chưa mở rộng được nhiều cũng khiến giá đất tăng.
Theo ghi nhận của phóng viên, ngay sau kỳ nghỉ Tết, nhiều trang tin môi giới bất động sản xôn xao đăng tin giá đất tại một số tỉnh, thành phố. So sánh giá đất cho thấy có một số nơi giá đất tăng từ 15 - 20%. Điển hình như tại Từ Sơn (Bắc Ninh); Hớn Quản (Bình Phước); Việt Yên (Bắc Giang); Gia Viễn (Ninh Bình); Mê Linh, Đan Phượng, Hòa Lạc (Hà Nội); Yên Thủy (Hòa Bình); Thủy Nguyên (Hải Phòng)…
Về vấn đề này, một số chuyên gia lĩnh vực bất động sản cho rằng giá đất nền tăng có thể do tâm lý mua tài sản giữ tiền trong thời kỳ dịch COVID-19 hoặc quá trình phát triển đô thị hóa tăng nhanh khiến nhu cầu tăng cao. Bên cạnh đó còn do giới đầu cơ, môi giới bất động sản gây nhiễu loạn thông tin để thổi giá nhằm thu lợi bất chính.
Chẳng hạn như cơn sốt đất sân bay mới đây tại huyện Hớn Quản, Bình Phước, nơi được đồn sẽ xây sân bay mới đã khiến "giao dịch" đất cát tăng cao. Tuy nhiên sau đó, chuyện "tăng giá đất" cũng xẹp đi rất nhanh sau khi báo chí đăng tin, địa phương ra cảnh báo.
Hay vụ việc "bong bóng" hoa lan đột biến xảy ra tại Yên Thủy, Hòa Bình cũng tạo ra tình trạng "bong bóng" giá đất ảo tại nơi này. Trao đổi với phóng viên, ông Nguyễn Trần Anh, Giám đốc Sở TN&MT tỉnh Hòa Bình cho biết, đó chỉ là "sốt đất ảo" do những người thích chơi hoa lan đột biến và giới đầu cơ gây ra. Sở TN&MT tỉnh Hòa Bình không có bất cứ sự điều chỉnh nào đối với giá đất tại địa phương.
Về vấn đề "tăng giá đất tại một số địa phương", ngày 8/3/2021, Văn phòng Chính phủ đã có văn bản gửi Bộ TN&MT truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ liên quan đến phản ánh về việc nhiều địa phương đang điều chỉnh bảng giá đất, làm tăng chi phí đối với doanh nghiệp đang thuê đất. Thủ tướng Chính phủ giao Bộ TN&MT chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành, địa phương liên quan đánh giá và xử lý phản ánh vấn đề nêu trên.
Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng, Bộ TN&MT đã dự thảo công văn, trong đó nêu thực trạng và đề xuất một số giải pháp gửi một số bộ, ngành, địa phương để xin ý kiến. Trên cơ sở đó, Bộ sẽ tổng hợp, báo cáo Thủ tướng Chính phủ trong thời gian sớm nhất.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!