Từ tháng 12/2021 đến nay, giá dầu Brent đã tăng khoảng 20 USD/thùng trong bối cảnh lo ngại về nguồn cung, lạm phát gia tăng và căng thẳng địa chính trị.
Tuần trước, giá dầu Brent đã vượt ngưỡng 95 USD/thùng, mức cao nhất kể từ mùa hè năm 2014, và tăng 63% so với cùng kỳ năm 2021. Hiện giá dầu Brent đang giao dịch ở mức 94,81 USD/thùng.
Giá dầu có khả năng vượt mức 125 USD/thùng khi nguồn cung ngày càng thiếu hụt. (Ảnh minh họa - Ảnh: istock)
Các nhà phân tích năng lượng cho rằng, giá dầu Brent vượt ngưỡng 100 USD/thùng gần như là điều có thể đạt được trong thời điểm này. Tuy nhiên hiện nay, ngày càng có nhiều dự báo cho rằng giá dầu có thể vượt 125 USD/thùng, thậm chí cao hơn.
"Nguồn cung dầu vật chất đang thiếu, do đó giá dầu có thể vượt 120 USD/thùng, thậm chí lên tới 150 USD/thùng", ông John Driscoll, Giám đốc JTD Energy Services, cho biết.
Căng thẳng ở biên giới giữa Nga và Ukraine đã góp phần khiến giá dầu tăng vọt. Ngày 15/2, sau khi Nga rút bớt quân khỏi các khu vực biên giới với Ukraine, giá dầu giảm khoảng 3% so với ngày trước đó.
Tuy nhiên, dù Nga luôn bác bỏ giả thiết về một cuộc tấn công sắp xảy ra, nhưng NATO và Tổng thống Mỹ Biden khẳng định nguy cơ chiến tranh vẫn còn cao.
Ngoài ra, thị trường đang ở trong tình trạng giá giao ngay cao hơn cả giá hợp đồng tương lai, theo ông Driscoll. "Chúng tôi bắt đầu nhận thấy nhu cầu đang trên đà phục hồi, trong khi nguồn cung thiếu hụt", ông nói.
Sự thiếu hụt nguồn cung không chỉ do OPEC+ đang bơm dầu ra thị trường dưới mức cam kết, mà còn ở việc Mỹ và một số nước không còn mặn mà đầu tư vào lĩnh vực khai thác dầu sau cú sốc COVID-19 và việc chính phủ thúc đẩy chuyển sang năng lượng tái tạo.
Theo S&P Global Platts, OPEC+ đã bơm thiếu 700.000 thùng/ngày so với mục tiêu sản xuất vào tháng 1 và các đồng lãnh đạo của nhóm là Saudi Arabia và Nga cũng bơm dưới hạn ngạch. Điều này xảy ra bất chấp cam kết sẽ dần dần gỡ bỏ việc cắt giảm nguồn cung kỷ lục.
Không chỉ ông Driscoll, mới đây J.P. Morgan cũng đưa ra dự báo giá dầu có khả năng vượt mức 125 USD/thùng khi nguồn cung ngày càng thiếu hụt, trong bối cảnh căng thẳng địa chính trị leo thang.
Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ (EIA) đã hạ công suất ước tính của OPEC xuống 300.000 thùng/ngày trong tháng 2 và nhóm này cũng chưa phát đi dấu hiệu nào cho thấy sẽ thay đổi kế hoạch tăng hạn ngạch thêm 400.000 thùng/ngày trong năm 2022, bất chấp lời kêu gọi gia tăng sản lượng từ Mỹ và và những quốc gia tiêu thụ dầu lớn khác nhằm hạ nhiệt giá dầu.
Trong khi đó, các nhà phân tích của RBC Capital Market nhận định, điều duy nhất có thể đảo ngược đà tăng của giá dầu là nhu cầu sụt giảm. Tuy nhiên điều này ít khả năng xảy ra bởi cùng với sự phục hồi của toàn cầu sau cuộc khủng hoảng kinh tế do đại dịch COVID-19 gây ra, nhu cầu dầu đang tăng mạnh.
RBC Capital Markets dự đoán giá dầu sẽ đạt mức 115 USD/thùng hoặc cao hơn trong mùa hè này.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!